Quyết định bổ sung tiếng Việt vào thông tin bầu cử được chính quyền hạt Dallas, bang Texas, Mỹ đưa ra tuần trước, sau khi Cục Thống kê Dân số Mỹ thông báo kết quả điều tra về nhu cầu ngôn ngữ của cử tri trong các khu vực bầu cử địa phương trên toàn quốc.
Theo Đạo luật Quyền Bầu cử, tất cả các hạt ở Texas trước đây chỉ cung cấp thông tin bầu cử bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Với quyết định mới, Dallas sẽ trở thành hạt thứ ba ở Texas cung cấp thông tin bầu cử bằng tiếng Việt.
Frederick Tran, thành viên của Pivot, một tổ chức người Việt tại Mỹ, cho hay đưa tiếng Việt vào thông tin bầu cử sẽ cho phép nhiều người nói tiếng Việt ở Dallas bỏ phiếu một cách độc lập và tự tin.
"Giờ họ không còn cần phải nhờ người nhà nghỉ việc để đi cùng, mà có thể đến thẳng điểm bỏ phiếu, hiểu thông tin mà điểm bỏ phiếu cung cấp", Tran, người sống ở Dallas, nói.
Pivot cũng đang nỗ lực chống lại nạn lan truyền tin thất thiệt trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Ông cho hay chính sách mới giúp những người gốc Việt có trình độ tiếng Anh hạn chế có thể đọc thư từ quan chức bầu cử hoặc đặt câu hỏi tại nơi bỏ phiếu.
"Nếu có thắc mắc, họ biết rằng sẽ có người ở đó hướng dẫn bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, giúp họ cảm thấy thoải mái. Người này cũng không thuyết phục họ bỏ phiếu cho bên này hay bên kia", Tran nói.
Năm 2016, lượng cử tri người Mỹ gốc Việt đi bỏ phiếu tăng vọt sau khi hạt Tarant và Harris bắt đầu cung cấp thông tin bầu cử bằng tiếng Việt.
Cứ 5 năm một lần, Cục Thống kê Dân số Mỹ sẽ xác định nhóm ngôn ngữ thiểu số mà giới chức bầu cử địa phương phải cung cấp thông tin và hỗ trợ. Nếu trong khu vực có hơn 5% cử tri có khả năng giao tiếp tiếng Anh hạn chế và nói cùng một ngôn ngữ, hoặc có hơn 10.000 cử tri đáp ứng yêu cầu này, thì giới chức bầu cử sẽ áp dụng thay đổi.
Tran nhận định còn nhiều khu vực bầu cử quốc hội nữa ở Mỹ nên bổ sung thêm ngôn ngữ thiểu số và thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo quyền lợi của cử tri không biết tiếng Anh.
"Nước Mỹ không có ngôn ngữ quốc gia, và tôi cho là chúng ta đã quên điều này. Với tôi, nếu mọi công dân không được tham gia bầu cử, đó không phải là nền dân chủ thực sự", Tran bày tỏ.
Hồng Hạnh (Theo Kera News)