Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden trưa 7/11 (giờ Mỹ) được các hãng truyền thông đồng loạt "xướng tên" là Tổng thống đắc cử sau khi chiến thắng tại hai bang Pennsylvania và Nevada, giành được tổng số phiếu đại cử tri 290. Điều này đồng nghĩa với việc Donald Trump trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên thất bại trong nỗ lực tái tranh cử, kể từ sau George H.W. Bush vào năm 1992.
Tuy nhiên, chị Julia Ngô, một cử tri gốc Việt tại thành phố Westminster, bang California, chưa công nhận kết quả này.
"Số phiếu hiện nay chỉ dựa trên báo cáo của truyền thông, không phải số liệu chính thức", chị Julia nói. "Kết quả cuối cùng thế nào hãy chờ toà án phán xét. Còn nhớ năm 2000, ứng viên Dân chủ Al Gore từng được truyền thông công bố đắc cử để rồi 37 ngày sau George W. Bush trở thành tổng thống".
Giống như nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump và đảng Cộng hoà, chị Julia trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trái ngược suốt mấy ngày qua, từ lo lắng đến vui mừng và cuối cùng đọng lại là phẫn nộ. Chị tin rằng kết quả kiểm phiếu của cuộc bầu cử năm nay có sự gian lận bởi "quá nhiều điều vô lý".
"Cùng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng bỏ phiếu qua thư, tại sao các bang xanh New York, New Jersey, Delaware, Vermont, Connecticut... có kết quả kiểm phiếu rất nhanh chóng, còn các bang chiến trường, nơi Trump dẫn trước, như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin thì lại kéo dài cả tuần và kết quả ngày càng có lợi cho Biden?", cử tri gốc Việt nói. "Có rất nhiều thông tin về các phiếu bầu cho Trump bị vứt bỏ, việc xác thực thông tin cử tri khi kiểm phiếu lỏng lẻo, việc gửi phiếu bầu qua bưu điện không đảm bảo an toàn hay các giám sát viên Cộng hoà bị cản trở ở phòng kiểm phiếu khiến tôi cảm thấy ấm ức. Tôi tin rằng đảng Dân chủ đã lợi dụng Covid-19 và thúc đẩy bỏ phiếu qua thư để gian lận".
Chị Hường Nguyễn, một người ủng hộ Trump khác ở thành phố Houston thuộc bang đỏ Texas, cũng không tin việc xảy ra những sai sót hay nhầm lẫn trong việc kiểm phiếu năm nay tại một số bang chỉ là vô tình.
"Là tình nguyện viên hỗ trợ tại phòng phiếu vào ngày bầu cử 3/11, tôi nhận thấy việc bỏ phiếu trực tiếp qua máy được tổ chức rất rõ ràng và đúng nguyên tắc. Giới chức tạo mọi điều kiện để mọi người dân đều có cơ hội bỏ phiếu trong an toàn và công bằng", chị Hường nói. "Mọi lá phiếu đều được kiểm tra rất kỹ từ phòng phiếu rồi mới gởi về trung tâm kiểm phiếu. Việc nhầm lẫn không thể xảy ra. Tôi tin rằng các bang thuộc về đảng Dân chủ đã tạo cơ hội cho sự gian lận bằng cách thúc đẩy phiếu bầu qua thư".
Trên một diễn đàn của người gốc Việt tại Mỹ, nhiều người ủng hộ Trump bày tỏ "không tin vào mắt mình" khi hôm 3/11 Trump vượt Biden với chiến thắng tại các bang chiến trường như Ohio, Florida hay Texas. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm thức dậy, số phiếu của Biden đã tăng vọt nhờ một lượng phiếu mới kiểm, khiến tình thế "xoay chuyển 180 độ". "Thế thượng phong" thuộc về cựu phó tổng thống Mỹ nhờ tái lập thành công "bức tường xanh" tại Wisconsin và Michigan, những bang từng là thành trì của đảng Dân chủ nhưng đảo chiều ủng hộ Trump hồi năm 2016.
Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 5/11, Trump cáo buộc đảng Dân chủ "đang cố đánh cắp cuộc bầu cử" và ông "sẽ thắng dễ dàng nếu chỉ tính số phiếu bầu hợp lệ", đề cập tới những phiếu bầu đến muộn sau ngày bầu cử. Chiến dịch của Trump đã nộp hàng loạt đơn kiện ở nhiều bang chiến trường, bày tỏ nghi ngờ về tính minh bạch và hợp pháp của quá trình kiểm phiếu, nhưng một số đơn đã bị bác bỏ.
Những cử tri gốc Việt ủng hộ Trump đồng tình với nghi ngờ của Tổng thống và tin rằng có sự can thiệp của "thủ đoạn chính trị" trong việc kiểm phiếu.
"Đội ngũ Trump sẽ không khiếu kiện nếu họ không có bằng chứng. Chắc chắn họ có những bằng chứng rõ ràng về sự gian lận của đảng Dân chủ", chị Hường nói. "Tuy nhiên, luật pháp Mỹ không dễ qua mặt. Mọi gian lận sẽ bị đưa ra ánh sáng".
Trong khi đó, những người gốc Việt ủng hộ Biden cũng cho rằng Trump "vô lý" khi vội vàng tuyên bố chiến thắng ngay từ ngày kết quả chưa ngã ngũ, sau đó lại đưa ra những cáo buộc không rõ ràng khi bị đối thủ vượt mặt.
"Tôi thấy vô lý là Trump dễ dàng chụp mũ những người phản đối ông ấy là bị tẩy não bởi truyền thông trong khi những người ủng hộ Trump vẫn đang say mê với các tin tức giả hay các nhóm lan truyền những thuyết âm mưu gian lận", một người bình luận. "Thật nực cười là Trump cho rằng những người ủng hộ Dân chủ hay nghiêng về phe Dân chủ, với hơn 75 triệu người đã bỏ phiếu cho Biden, lại không có khả năng phân tích độc lập và đều bị truyền thông dắt mũi".
Huy Phạm, một thanh niên gốc Việt ở bang California, cho rằng cáo buộc gian lận từng xảy ra ở các kỳ bầu cử trong lịch sử Mỹ, nhưng cuối cùng vẫn chỉ là cáo buộc. Các cuộc kiểm phiếu kéo dài sau ngày bầu cử là hợp hiến và đúng luật. Ở những bang có kết quả quá sít sao, việc kiểm phiếu thường kéo dài để chắc chắn ai thắng ai thua.
Huy chỉ ra nhiều video và hình ảnh mà người ủng hộ Trump lan truyền rộng rãi trên mạng hoàn toàn là tin giả, ví dụ như video nhân viên kiểm phiếu bị cáo buộc tự điền vào phiếu bầu, trong khi thực tế họ chỉ đang tô đậm thêm.
"Tôi không thể tưởng tượng được nhiều người có thể tin vào những hình ảnh không xác thực và thông tin sai lệch trên mạng như thế", anh nói. "Quá trình kiểm phiếu và bầu cử Mỹ diễn ra nghiêm ngặt, theo quy định của các bang, dưới sự giám sát của đại diện cả hai đảng. Sai sót có thể xảy ra trong quá trình kiểm đếm hàng triệu phiếu nhưng chắc chắn là rất ít và không thể ảnh hưởng lớn tới kết quả chung".
Huy thêm rằng chỉ trong trường hợp chiến dịch của Trump đưa ra được cơ sở và bằng chứng cụ thể cho cáo buộc của mình thì toà án mới có thể tiếp nhận vụ kiện.
Đinh Công Bằng, một cử tri trung lập ở bang chiến trường Florida, đồng tình rằng khả năng thêm phiếu giả vào cho Biden rất thấp vì rất khó thực hiện với số lượng lớn và dễ bị phát hiện. Anh cũng bác bỏ những video và hình ảnh cáo buộc gian lận phiếu bầu trên mạng là tin giả.
"Việc kiểm đếm phiếu muộn hay kéo dài so với mọi năm là do lượng phiếu bầu qua thư năm nay bùng nổ giữa Covid-19 và quy định về thời gian nhận phiếu, kiểm phiếu ở mỗi bang khác nhau", chuyên gia công nghệ thông tin người Việt nói. "Tại Florida, sau cuộc bầu cử năm 2000, hệ thống đã được cải tiến nên chỉ mất vài giờ phiếu đã được kiểm hết. Chỉ phiếu được gửi tới văn phòng bầu cử trước 19h ngày 3/11 mới được tính và toàn bộ việc kiểm phiếu được thực hiện bằng máy, dữ liệu truyền về trung tâm qua mạng".
Bất chấp Biden được xướng tên là người chiến thắng, Trump tuyên bố cuộc bầu cử "còn lâu mới kết thúc" và sẽ đâm đơn kiện ra tòa án ngày 9/11. Theo các nguồn tin thân cận với Nhà Trắng, ông cũng dự định không tới lễ nhậm chức của Biden hay chuẩn bị sẵn bài phát biểu nhượng quyền nào và không có ý định công nhận nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden.
Đảng Cộng hòa đã liên hệ nhiều nhà tài trợ để gây quỹ ít nhất 60 triệu USD cho cuộc chiến pháp lý về kết quả bầu cử của Trump. Theo quy định, ngày 8/12 mới là hạn chót để các bang giải quyết những khiếu nại về phiếu bầu và thành lập cử tri đoàn. Cử tri đoàn sẽ quyết định người chiến thắng ở bang đó trong cuộc họp vào ngày 14/12.
"Việc Trump doạ kiện kết quả bầu cử không có gì bất ngờ với tính cách lâu nay của ông ấy", ông Lương Tạ, một người ủng hộ đảng Dân chủ lâu năm ở California, nói. "Tôi thấy buồn khi một tổng thống gây nghi ngờ lên tính vẹn toàn của cuộc bầu cử Mỹ, vì ích kỷ cá nhân. Điều đó làm cho nền dân chủ Mỹ bị tổn hại và sẽ lâu hồi phục", ông nói.
Ông Lương Tạ vui vì Trump đã không tái đắc cử hơn là vì Biden chiến thắng, bởi cho rằng Tổng thống đương nhiệm không nên tiếp tục tại vị và gây chia rẽ nước Mỹ. Ông hy vọng Biden và nội các mới sẽ làm tốt nhiệm vụ hoà giải đất nước.
Trong khi đó, các cử tri trung thành với Trump quyết không "tâm phục khẩu phục" kết quả hiện nay.
"Trump là người giữ lời. Mọi thứ ông ấy làm chỉ xoay quanh một nguyên tắc: nước Mỹ trên hết", chị Julia nói. "Phe Dân chủ kêu gọi bầu qua thư để tránh Covid-19 và nay họ đổ ra đường ăn mừng như chưa hề có Covid-19. Hãy chờ kết quả ở toà án, lúc đó mới xác nhận được Trump thắng hay thua".
"Tổng thống Trump sẽ không chịu thua, ông ấy là người thắng cuộc. Tôi tin chắc chứ không phải hy vọng, rằng mọi việc sẽ được đưa ra ánh sáng", chị Hường nói.
Không tiết lộ mình đã bỏ phiếu cho ai, anh Bằng cũng tin rằng Trump có khả năng đưa lên vụ kiện lên Toà án Tối cao Mỹ, nhưng khả năng thay đổi kết quả bầu cử là rất thấp. Tỷ lệ gian lận bỏ phiếu nói chung ở Mỹ là dưới 0,0009%, theo một nghiên cứu năm 2017 của Trung tâm Công lý Brennan.
"Chiến thắng của Biden là thuyết phục không chỉ về phiếu đại cử tri mà còn hơn 75 triệu phiếu phổ thông. Tuy nhiên, sự ủng hộ cho Trump cũng rất mạnh. Trump làm được điều mà các ứng cử viên Cộng hòa chưa từng làm với hơn 70 triệu phiếu phổ thông, trong đó có nhiều dân nhập cư và da màu", anh nói.