Đây là số lượng giảm phát thải CO2td (CO2 quy đổi tương đương) đầu tiên trên lúa tại Việt Nam được bán thành công, từ mô hình thí điểm "Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất" trên địa bàn tỉnh.
Bên mua là Công ty cổ phần Net Zero Carbon, cũng là đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp Đăk Lăk triển khai mô hình này trên diện tích hơn 4 ha tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana trong vụ Đông Xuân 2023-2024.
Tuy nhiên, đây không phải là giao dịch mua bán tín chỉ carbon (carbon credit) vì lượng giảm phát thải này chỉ được công nhận bởi Công ty Net Zero Carbon và mua lại bởi chính doanh nghiệp này, như một hình thức khuyến khích trồng lúa giảm phát thải.
Còn tín chỉ carbon cần được cấp bởi một tổ chức chuyên cấp tín chỉ carbon. Nó là chứng nhận phát thải khí carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương sang CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. CO2tđ là đơn vị mua bán trên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon. Thị trường giao dịch carbon ở Việt Nam cũng chưa hình thành, dự kiến thí điểm toàn quốc giai đoạn 2025-2028.
Mô hình thí điểm "Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất" là sự kết hợp quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), kết hợp sử dụng chế phẩm từ BSB Nanotech và áp dụng quy trình báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Net Zero Carbon.
Sau hơn 3 tháng trồng và chăm sóc, năng suất lúa trung bình gần 11,7 tấn mỗi ha, tăng hơn 0,93 tấn so với mô hình đối chứng. Chi phí đầu tư giảm gần 2,9 triệu đồng (giảm 9,44%) mỗi ha. Lợi nhuận ròng của mô hình này gần 94,8 triệu đồng, tăng trên 15,5 triệu đồng so với đối chứng (tăng 19,55%). Đồng thời, mô hình giúp giảm phát thải gần 4 tấn khí nhà kính (CO2td) mỗi ha.
Tại tọa đàm ngày 10/9 do Sở Nông nghiệp Đăk Lăk tổ chức, nhà quản lý, chuyên gia nhận định nông nghiệp là ngành gây phát thải lớn. Do vậy giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon sẽ trở thành định hướng phát triển của nông nghiệp tỉnh này trong thời gian tới.
Theo ước tính của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), mỗi ha lúa nước phát thải khoảng 12,7 tấn CO2 tương đương mỗi năm. Khi ruộng lúa được ngập nước, nó tạo điều kiện cho quá trình phân hủy kỵ khí diễn ra, giải phóng khí metan và các loại khí nhà kính khác.
Việt Nam và Indonesia là hai nước tiềm năng lớn nhất khu vực để giảm phát thải ở lúa. Nếu ứng dụng các quy trình kỹ thuật canh tác phát thải thấp có thể giảm 40-65%, theo ông IRRI. Nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) năm 2021 cũng chỉ ra tiềm năng giảm phát thải lúa gạo là 36%, vượt trội đáng kể so với chăn nuôi (9%) và các loại cây trồng khác (3%).
Dỹ Tùng