Các nhà sản xuất điện tử tiêu dùng Johnson Controls-Hitachi, Daikin (Nhật Bản), cùng Havells và Voltas của Tata Group (Ấn Độ) lần lượt đệ đơn kiện chính phủ Ấn Độ từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 3 năm nay về chính sách giá sàn tái chế trong trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Samsung, LG không kiện chính phủ, nhưng bày tỏ bế tắc với chính sách này.
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là chính sách buộc doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm do họ làm ra khi hết vòng đời sử dụng. Quy định này áp dụng tại Ấn Độ từ năm 2022, mức giá trước đó do doanh nghiệp sản xuất và nhà tái chế tự thỏa thuận.

Một người đàn ông tái chế rác điện tử tại một bãi phế liệu ở Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 9/4. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, từ tháng 9/2024, cơ quan chức năng áp chính sách giá sàn, yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị điện tử chi trả cho đơn vị tái chế ít nhất 22 rupee (26 cent) mỗi kg để tái chế hàng điện tử tiêu dùng, 34 rupee (39 cent) mỗi kg điện thoại thông minh.
Thị trường điện tử tiêu dùng nước này tăng vọt do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, kéo theo rác thải điện tử tăng lên 1,7 triệu tấn vào năm tài chính 2023-2024, gấp đôi sau sáu năm, theo Euromonitor. Ấn Độ trở thành "bãi rác điện tử" lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ.
Mặc dù vậy, chỉ 43% rác điện tử tại Ấn Độ được tái chế. 80% số đó đến từ các cơ sở phế liệu phi chính thức, gây ô nhiễm môi trường và tổn hại sức khỏe người dân. Chính sách mới của New Delhi nhằm "nắn" dòng chảy tái chế vào khu vực chính thức, đồng thời khuyến khích đầu tư vào quản lý rác thải điện tử.
Tuy nhiên, mức giá sàn do Chính phủ quy định cao gấp nhiều lần mức giá thỏa thuận trước đó, ảnh hưởng nhiều lên các nhà sản xuất đồ điện tử hạng nặng như điều hòa không khí, tủ lạnh.
Trong bản đệ trình lên các thẩm phán ở New Delhi, các công ty cho rằng biện pháp của chính phủ là vi hiến, vượt quá quyền hạn theo Luật Môi trường và làm tăng chi phí tuân thủ lên nhiều lần.
Đại diện Johnson Controls-Hitachi nói giá sàn theo quy định cao gấp bốn lần mức chi trả trước đây của họ. Tại tòa, họ tính toán nếu áp mức giá mới với hơn 10.000 tấn máy điều hòa đã tái chế trong năm tài chính trước, công ty phải chi trả 2,6 triệu USD. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ đang lỗ ròng 8,8 triệu USD. Trong nhóm kiện chính phủ, Voltas ước tính chi phí này sẽ phản ánh vào giá sản phẩm đầu ra.
Bộ Môi trường Ấn Độ thúc giục các thẩm phán bác bỏ các vụ kiện trên, cho rằng chính sách ấn định giá là hợp lý và nằm trong thẩm quyền của họ. Bộ này thêm rằng họ muốn ngăn chặn "cuộc đua xuống đáy" về giá tái chế. Trừ Johnson Controls-Hitachi, các công ty còn lại không tiết lộ giá tái chế thỏa thuận trước đó.
Bản cáo bạch phát hành trái phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của LG Ấn Độ cuối năm ngoái cảnh báo tỷ lệ tái chế cao hơn tác động "đáng kể tới kết quả tài chính", dù không nêu chi tiết. Một nguồn tin của Reuters cho biết chi phí tái chế của Samsung sẽ cao từ 5-15 lần mức cũ, đồng thời ông lớn điện tử Hàn Quốc kêu gọi New Dehli không can thiệp vào các giao dịch thương mại trong lĩnh vực này.
Trong khi các nhà sản xuất điện tử lo ngại, nhóm doanh nghiệp tái chế lại rất ủng hộ chính sách mới. Nitin Gupta, Tổng giám đốc điều hành Attero, một trong những công ty tái chế lớn nhất Ấn Độ, nói nhà sản xuất chỉ phải trả khoảng 10 USD để tái chế một máy giặt với giá sàn. Attero đang tái chế cho LG và Daikin.
"Chúng ta cần có thêm lợi nhuận để gia tăng năng lực công nghệ trong hoạt động tái chế. Điều này có lợi cho chúng tôi", ông Gupta nói.
Trước mâu thuẫn lợi ích giữa nhà sản xuất và tái chế, các công ty điện tử và Bộ Môi trường Ấn Độ không phản hồi về phản ứng của ngành và quy tắc định giá của chính phủ.
Bảo Bảo (theo Reuters)