Thứ năm, 19/9/2024
Thứ bảy, 16/9/2023, 20:00 (GMT+7)

Đại Vận Hà, kênh đào 2.500 năm tuổi của Trung Quốc

Đại Vận Hà, công trình kênh đào dài nhất và lâu đời nhất thế giới, được Trung Quốc hồi sinh sau hơn 2.500 năm hình thành.

Tàu thuyền qua lại âu thuyền Túc Thiên thuộc kênh đào Đại Vận Hà ở thành phố Túc Thiên, tỉnh Giang Tô, ngày 12/9.

Đại Vận Hà uốn lượn qua 8 tỉnh và nhiều thành phố, kết nối 5 con sông lớn là Hải, Hoàng, Hoài, Trường Giang và Tiền Đường. Với chiều dài 3.200 km, đây là con kênh nhân tạo dài nhất và có lịch sử lâu đời nhất thế giới.

Ba tuyến chính của kênh Đại Vận Hà qua nhiều tỉnh thành Trung Quốc. Đồ họa: Sohu

Đại Vận Hà đã chứng kiến lịch sử hơn 2.500 năm của Trung Quốc. Kênh đào bao gồm ba tuyến chính là Bắc Kinh - Hàng Châu, kênh Tùy - Đường và kênh Đông Chiết Giang, được xây dựng từ thời cổ đại ở Trung Quốc. Tháng 6/2014, Đại Vận Hà được xếp vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới.

Đại Vận Hà - kênh đào nối liền Trung Quốc 2.500 năm
 
 

Biến đổi của kênh Đại Vận Hà. Video: ECNS

Một đoạn kênh thuộc Đại Vận Hà ở ngoại thành Giang Đô thời Trung Hoa Dân quốc (1912-1949), nay là huyện Giang Đô, tỉnh Giang Tô. Khi đó, kênh bị bồi lắng, dòng chảy thu hẹp, chỉ có thể sử dụng trong thời gian ngắn.

Đại Vận Hà từng có hơn 2.000 nhánh, nối liền 5 lưu vực sông lớn của Trung Quốc. Hệ thống kênh đào này cho phép vận chuyển thóc gạo từ vựa lúa ở châu thổ sông Trường Giang và sông Hoài tới kinh thành và cung cấp cho các quân doanh ở phía bắc Trung Quốc.

Một gia đình Trung Quốc sinh sống trên thuyền tại đoạn kênh ở Quảng Châu năm 2013.

Nhiều người Trung Quốc sinh sống trên những đoạn kênh như vậy, trước khi chính quyền địa phương quyết định tái định cư, đưa họ lên bờ.

Đại Vận Hà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thông thương và giao lưu văn hóa giữa các tỉnh phía bắc và phía nam thuộc miền đông Trung Quốc.

Nhưng trải qua nhiều biến đổi của lịch sử và khí hậu, Đại Vận Hà đối mặt hàng loạt vấn đề như tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm nước và hệ sinh thái bị hủy hoại.

Đoạn kênh đào Tảo Trang thuộc huyện Đài Nhi Trang, thành phố Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông, ngày 9/8. Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương đang nỗ lực thúc đẩy cải tạo cảnh quan môi trường dọc kênh đào.

Thị trấn cổ Đài Nhi Trang nằm ven kênh đào. Cổ trấn xây dựng từ thời nhà Tần (221-207 TCN), phát triển qua các triều đại Đường, Tống và phồn thịnh suốt thời Minh và Thanh. Nơi đây từng được gọi là "Thiên hạ đệ nhất trấn" dưới thời trị vì của hoàng đế Vạn Lịch nhà Minh bởi sự phát triển kinh tế xã hội thịnh vượng nhờ kênh Đại Vận Hà.

Tàu thuyền lần đầu chở hàng hóa đi qua âu thuyền Bát Bảo ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Âu thuyền này là một trong nhiều dự án được Trung Quốc thực hiện nhằm hồi sinh con kênh đào.

Zhu Guirong, thuyền trưởng một tàu vận tải Chiết Giang, cho biết dự án xây dựng âu thuyền Bát Bảo giúp giảm 6-7 tiếng di chuyển từ Gia Hưng tới Hàng Châu, cũng như rút ngắn thời gian chờ đợi để tàu thuyền được đi vào kênh.

Sà lan di chuyển trên đoạn kênh đào qua thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, thuộc tuyến kênh đào Đại Vận Hà, ngày 4/1.

Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng Đại Vận Hà là di sản văn hóa cần được bảo vệ, kế thừa và sử dụng.

Trung Quốc sau đó triển khai các dự án phục hồi sinh thái, tập trung chuyển đổi các khu công nghiệp, đô thị và thị trấn nằm dọc Đại Vận Hà, ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm nước, trồng cây thủy sinh, phát triển thủy sản.

Nỗ lực khơi thông, nạo vét giúp các chuyến tàu du lịch và chở hàng bắt đầu hoạt động lại dọc tuyến đường từng được gọi là "Hoàng kim Thủy lộ".

Cửa kênh đào Hoài An nhìn từ trên cao. Theo cơ quan quản lý tàu thuyền Bắc Giang Tô, khối lượng vận tải qua đoạn kênh đào Bắc Giang Tô năm 2022 là 339 triệu tấn, tăng 4,2% so với năm trước và là năm có khối lượng vận chuyển lớn nhất từng ghi nhận.

Cảnh đêm ven cầu Thanh Minh ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô ngày 29/3. Đây là khu vực du lịch và giải trí cấp quốc gia ở Trung Quốc. Cầu Thanh Minh được xây dựng hơn 3.200 năm trước, kết nối với kênh Đại Vận Hà và là một phần quan trọng của tuyến đường thủy nối phía bắc và phía nam Trung Quốc.

Âu thuyền ở khu vực Tứ Nữ Tự, thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, mở cửa ngày 28/4/2022, đánh dấu lần đầu tiên sau 100 năm toàn bộ tuyến đường thủy Đại Vận Hà khai thông hoàn toàn.

Ảnh: Reuters/Xinhua