Được mở cửa vào tháng 10/1888, ngọn tháp tưởng nhớ đến vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ mất cả thế kỷ từ khi lên kế hoạch đến khi xây dựng xong. Đài tưởng niệm có hình dáng khác hẳn kiến trúc ban đầu và còn nhiều những sự thật lý thú đằng sau công trình vinh danh vị cha đẻ của nước Mỹ.
Kế hoạch xây dựng đài tưởng niệm bắt đầu từ trước khi Washington trở thành tổng thống. Năm 1783, Quốc hội (Continental Congress) đã đồng tình dựng nên bức tượng Washington để tỏ lòng kính trọng đến người lãnh đạo quân đội Mỹ trong cuộc Cách mạng chống lại người Anh.
Tuy vậy, sau khi George Washington trở thành tổng thống, ông đã bác bỏ kế hoạch này bởi ngân sách liên bang đang được thắt chặt và bản thân không muốn sử dụng tiền của nhân dân. Sau khi Washington mất năm 1799, quốc hội đưa ra bàn thảo kế hoạch xây dựng lăng mộ cho ông hình kim tự tháp đặt trong điện Capitol. Tuy vậy, đồ án này đã không trở thành hiện thực.
Năm 1883, một nhóm người tôn thờ Washington bày tỏ sự bất bình vì chưa hề có công trình nào được xây dựng để tưởng nhớ ông tại thủ đô. Họ đã thành lập tổ chức mang tên Washington National Monument Society để gây quỹ cho dự án. Người đứng đầu là John Marshall lập ra hẳn cuộc thi thiết kế tượng đài kỷ niệm về người anh hùng của đất nước và kiến trúc sư Robert Mills (1781–1855) đã giành chiến thắng. Ông cũng chính là tác giả hai công trình tòa nhà ngân khố quốc gia và văn phòng sáng chế Mỹ mà hiện tại là gallery trưng bày chân dung các nhà lãnh đạo quốc gia và viện bảo tàng nghệ thuật Smithsonian.
Thiết kế nguyên bản đài tưởng niệm khác hẳn công trình hiện tại. Bản vẽ của Robert Mills có hình dáng ngôi đền thờ các vị thần kiểu Hy Lạp với 30 cột đá, tượng Washington đang cưỡi chiến xa sẽ nằm trên lối vào. Ngoài ra còn một cột đá kiểu Ai Cập cao khoảng 180 m vươn lên từ chính giữa ngôi đền.
Ngày 4/7/1848, viên đá đầu tiên được đặt xuống và bên trong họ đóng một chiếc hộp chứa chân dung George Washington, những tờ báo viết về ông, đồng tiền xu và bản copy của hiến pháp. Buổi lễ có sự góp mặt của hàng nghìn người và một nhân vật sau này cũng nổi tiếng không kém đến từ Illinois, Abraham Lincoln cũng tham dự (sau này là tổng thống thứ 16 của Mỹ).
Việc xây dựng được tiến hành đến năm 1854, khi ngọn tháp đạt độ cao 45 m, kinh phí ngày càng hạn hẹp khiến công trình gần như dậm chân tại chỗ. Cùng năm đó, những người nhập cư có tư tưởng chống Cơ Đốc giáo giận giữ vì giáo hoàng Pius IX đã lấy từ ngôi đền La Mã cổ đại ở Italy một khối đá để tặng cho tượng đài. Họ tìm cách lấy đi khối đá kia và chiếm luôn quyền xây dựng ngọn tháp, nhưng chỉ tiếp tục được một thời gian ngắn và rồi bỏ không trong vài năm. May mắn thay, công trình vẫn đứng vững sau cuộc nội chiến.
Năm 1876, kỷ niệm 100 năm ngày quốc khánh Mỹ, Tổng thống Ulysses Grant đã trích quỹ liên bang để hoàn thành tháp kỷ niệm và công việc xây dựng được bắt đầu trở lại năm 1879. Thời gian này, phong cách kiến trúc cũng đã thay đổi, ngôi đền thờ đã bị xóa bỏ khỏi thiết kế ban đầu. Thêm nữa, 2 thập kỷ gián đoạn đã làm cho nguồn cung cấp đá khác nhau khiến màu sắc và khả năng nối ghép gặp trở ngại. Kết quả là ngọn tháp có 2 màu, nhạt ở bên dưới và đậm hơn ở bên trên. Năm 1884, công trình từ từ được hình thành rõ nét hơn và khi khánh thành năm 1888, đài kỷ niệm đạt độ cao 169 m, nặng hơn 81.000 tấn. Đó là khối kiến trúc do con người xây dựng cao nhất thế giới cho đến khi tháp Eiffel (Paris, Pháp) hoàn thành năm 1889.
Đài tưởng niệm từng là nơi bắt giữ con tin. Ngày 8/12/1982, Norman Mayer, cựu binh hải quân Mỹ 66 tuổi đã lái chiếc xe được cho là chứa 1000 pounds (450 kg) thuốc nổ đến chân tháp và đe dọa châm ngòi. Một nhóm du khách bị mắc kẹt trong tháp vài giờ trước khi Mayer (người muốn gây chú ý với lập trường chống lại vũ khí nguyên tử) thả họ đi. Hàng nghìn nhân viên đang làm việc trong các tòa nhà xung quanh được lệnh di tản, đường phố bị đóng, các chuyến bay trong khu vực phải chuyển hướng. Sau khoảng 10 giờ thương lượng, Mayer đã lái chiếc xe ra khỏi đài kỷ niệm và bị bắn chết. Tuy vậy, khi giới chức trách kiểm tra, họ không tìm thấy bất cứ chất gây nổ nào trong xe.
Ngày 23/8/2011, đài tưởng niệm đã bị chấn động bởi trận động đất hiếm thấy lên đến 5,8 độ richter có tâm chấn tại Mineral, bang Virginia. Những vết nứt được tìm thấy và nhiều lớp vữa bị bong tróc. Không ai trong tháp bị thương nặng khi trận động đất xảy ra. Từ đó đài tưởng niệm được đóng cửa để trùng tu với kinh phí dự tính khoảng 15 triệu USD.
Du khách đến Washington hiện tại sẽ nhìn thấy tòa tháp bị bao bọc bởi giàn giáo kim loại màu xanh nặng 500 tấn từ chân lên đến đỉnh. Đây là ý tưởng từ kiến trúc sư Michael Graves, từng sử dụng lần đầu tiên khi công trình được tu sử những năm cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước nhằm giúp du khách có thể nhìn được cấu trúc cơ bản của tòa tháp. Washington Monument dự định mở cửa trở lại năm 2014 và hiện được chiếu sáng ban đêm bằng 488 ngọn đèn trang trí.
Đài tưởng niệm có thể là công trình nổi tiếng nhất về Washington nhưng không phải là duy nhất. Vị anh hùng khai sinh ra nước Mỹ George Washington đã được người dân hết sức trân trọng. Họ dùng tên ông để đặt cho thành phố, đường cao tốc, hồ nước, núi, trường học và hầu hết các bang đều có công trình nào đó mang tên Washington. Sau khi mất, ông cũng được dựng nhiều đài kỷ niệm khác như ở Boonsboro, Maryland với tháp đá cao 11 m hoàn thành năm 1827 và đài tưởng niệm ở Baltimore cao 54 m hoàn thành năm 1829 do Robert Mills thiết kế (tác giả của đài tưởng niệm nổi tiếng tại thủ đô).
George Washington (1732–1799) đã lãnh đạo người Mỹ chống lại Vương quốc Anh trong cuộc chiến tranh Cách mạng Mỹ trong vai trò là tổng tư lệnh lục quân giai đoạn 1775–1783. Ông được quốc hội thống nhất lựa chọn làm vị tổng thống đầu tiên của Mỹ từ năm 1789 đến 1797. Khi còn tại vị, ông đã xây dựng một chính quyền quốc gia mạnh mẽ, tập trung phát triển kinh tế và làm giàu cho đất nước, tránh chiến tranh. George Washington được coi là vị cha già của nước Mỹ. Để kỷ niệm 100 năm ngày sinh Washington năm 1732, quốc hội đã đề nghị nhà điêu khắc người Mỹ Horatio Greenough tạc bức tượng vị tổng thống đầu tiên của đất nước. Tuy vậy, khi được mang ra trưng bày tại thủ đô, hình tượng Washington (cao 3 m nặng 12 tấn bằng đá cẩm thạch) để ngực trần, mặc áo dài kiểu người La Mã hay Hy Lạp xưa, đi dép sandal trông chẳng khác một vị thần Hy Lạp đã bị mọi người chế nhạo. Cuối cùng, dưới áp lực của dư luận, các thành viên quốc hội đã yêu cầu dời bức tượng đi nơi khác. Ngày nay bạn có thể tìm thấy tác phẩm gây nhiều tranh cãi này tại bảo tàng lịch sử quốc gia Mỹ. |
Bài và ảnh: Hoài Nam