Bộ Quốc phòng Nga hôm 8/10 thông báo đại tướng Sergei Surovikin được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy lực lượng hiệp đồng chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga có một tổng chỉ huy cho toàn bộ các cánh quân tại Ukraine.
Tướng Surovikin, 56 tuổi, sinh ra tại Novosibirsk thuộc vùng Siberia. Ông gia nhập quân đội Liên Xô và tốt nghiệp Trường Chỉ huy Binh chủng hợp thành Cấp cao Omsk với tấm bằng hạng ưu năm 1987, sau đó là Học viện Quân sự Frunze năm 1995 và Học viện Bộ tổng tham mưu Nga năm 2002.
Surovikin từng là thành viên lực lượng đặc nhiệm được Liên Xô triển khai đến Afghanistan cuối thập niên 1980, trước khi thăng tiến trong Sư đoàn Bộ binh cơ giới Cận vệ số 2 Tamanskaya, một trong những đơn vị chủ lực thiện chiến nhất của lục quân Liên Xô và Nga.
![Tướng Surovikin (phải) khi làm nhiệm vụ tại Chechnya năm 2004. Ảnh: BQP Nga.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/09/-4789-1665283490.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Sq2l-kZ7VA5ymyTTYvg_9A)
Tướng Surovikin (phải) khi làm nhiệm vụ tại Chechnya năm 2004. Ảnh: BQP Nga.
Năm 1991, Surovikin mang quân hàm đại úy và giữ chức tham mưu trưởng, quyền trung đoàn trưởng Trung đoàn bộ binh số 1 thuộc Sư đoàn Tamanskaya. Trong cuộc chính biến tại Moskva tháng 8/1991, đơn vị của Surovikin được điều đến khu vực đường vành đai B của thủ đô Moskva.
Đại úy Surovikin bị bắt sau khi chính biến thất bại, nhưng văn phòng công tố Moskva cuối năm đó xóa cáo buộc nhằm vào ông và binh sĩ dưới quyền do không có dấu hiệu phạm tội.
4 năm sau, Surovikin được điều đến Sư đoàn Bộ binh cơ giới số 201 đồn trú tại Tajikistan, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ biên giới giữa nước này với Afghanistan, chỉ huy nhiều đơn vị thiết giáp cấp trung đoàn và sư đoàn thuộc Quân khu Volga-Urals.
Tháng 6/2004, Surovikin trở thành chỉ huy Sư đoàn Bộ binh cơ giới Cận vệ số 42, đóng quân tại Cộng hòa Chechnya. Đơn vị này là nền tảng cho lực lượng chống khủng bố của Nga tại vùng Bắc Kavkaz, thường xuyên giao tranh với phiến quân Chechnya.
Trong thời gian làm nhiệm vụ tại Chechnya, ông bị thương ba lần trong chiến đấu và trở nên nổi tiếng vì sự cứng rắn, trong đó cam kết "diệt ba tên khủng bố cho mỗi lính Nga thiệt mạng" từng thu hút được nhiều sự ủng hộ trong dư luận Nga.
Surovikin giữ chức Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga từ cuối năm 2008, chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và điều động binh lực. Vị trí này thường do các sĩ quan có kinh nghiệm tham mưu đảm nhiệm, trong khi ông dành phần lớn sự nghiệp trong vai trò chỉ huy. Đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc quân đội Nga sau cuộc chiến với Gruzia.
Tướng Surovikin đứng đầu nhóm xây dựng Quân cảnh Nga hồi năm 2011 và được dự đoán sẽ là lãnh đạo lực lượng này. Tuy nhiên, quyết định bị Tổng công tố viên quân sự Nga Sergei Fridinsky phản đối do Surovikin từng có tiền án liên quan đến "hỗ trợ mua bán súng", dù bản án được xóa bỏ trước đó nhiều năm.
Ông sau đó được điều động vào các vị trí lãnh đạo ở Quân khu miền Đông và trở thành tư lệnh lực lượng phòng không, tham gia trực tiếp vào quá trình củng cố hạ tầng quân sự trên quần đảo Kuril và Bắc Cực.
Tháng 3/2017, tướng Surovikin trở thành tư lệnh lực lượng Nga tham chiến tại Syria và dự kiến làm nhiệm vụ trong ba tháng. Tuy nhiên, ông giữ vai trò này đến hết năm, một số nguồn tin tiết lộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đích thân đề nghị Nga không rút tướng Surovikin về nước vì ông đã giúp quân đội chính phủ Syria đạt thành công tối đa trên chiến trường.
![Tổng thống Putin (phải) trao huân chương cho tướng Surovikin vì thành tích trong quá trình phục vụ ở Syria. Ảnh: Sputnik.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/09/-3496-1665307307.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3Zj0Ws8oPWEuO6vyjRuQ-g)
Tổng thống Putin (phải) trao huân chương cho tướng Surovikin vì thành tích trong quá trình phục vụ ở Syria. Ảnh: Sputnik.
Bộ Quốc phòng Nga cho hay Surovikin là người tạo ra bước ngoặt và lật ngược thế cờ ở Syria, giúp Damascus giải phóng hơn 98% lãnh thổ khỏi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng đối lập. Nhiều đồng nghiệp đặt cho ông biệt danh "tướng hủy diệt" trong giai đoạn này, nhờ tư duy tác chiến sáng tạo, không theo lối mòn và sẵn sàng dùng mọi biện pháp cứng rắn để hoàn thành mục tiêu.
Tháng 11/2017, Tổng thống Vladimir Putin bổ nhiệm Surovikin làm tư lệnh Không quân Vũ trụ Nga. Ông là tướng lục quân đầu tiên trong lịch sử Liên Xô và Nga giữ chức tư lệnh lực lượng không quân. Năm 2021, Surovikin được thăng hàm đại tướng và dự báo sẽ là người kế nhiệm Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov.
Tướng Surovikin tiếp nhận vai trò chỉ huy cánh quân Nam trong chiến dịch tại Ukraine từ tháng 6, phụ trách hướng tấn công ở tỉnh miền nam Kherson, đông nam Zaporizhzhia và một phần Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng.
Một số nhà bình luận quân sự Nga cho rằng Surovikin đóng vai trò quan trọng trong cải thiện hiệu quả tác chiến của quân đội Nga tại miền đông Ukraine, cũng là người phụ trách các trận đánh vô hiệu hóa nhóm quân lớn của đối phương ở Gorskoye.
Quyết định bổ nhiệm Surovikin làm tổng chỉ huy được Nga đưa ra trong bối cảnh lực lượng nước này gần đây liên tiếp hứng chịu thất bại ở Ukraine. Quân Nga đã phải rút khỏi gần như toàn bộ tỉnh đông bắc Kharkov vào đầu tháng 9, sau chiến dịch phản công chớp nhoáng giúp quân đội Ukraine giành lại khoảng 9.000 km vuông lãnh thổ.
Nga cũng để mất hàng trăm km vuông lãnh thổ đang kiểm soát ở tỉnh miền nam Kherson, đồng thời phải từ bỏ Lyman, thành phố chiến lược ở miền đông. Cầu Crimea, cây cầu rất quan trọng với hoạt động tiếp tế hậu cần, lực lượng của Nga ở miền nam Ukraine, cũng bị hư hại sau một vụ đánh bom xe.
![Tướng Surovikin sau khi được phong hàm đại tướng năm 2021. Ảnh: BQP Nga.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/09/-4259-1665283490.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=E4Aja_2nldmhqqzxwTO74w)
Tướng Surovikin sau khi được phong hàm đại tướng năm 2021. Ảnh: BQP Nga.
Alexandre Vautravers, chuyên gia tại Swiss Military Review, cho rằng quyết định bổ nhiệm Surovikin làm tổng chỉ huy sẽ góp phần thay đổi chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine. Hoạt động tác chiến của lực lượng Nga ở Ukraine sẽ được quy về một mối, thay vì chia thành các cánh quân riêng rẽ.
"Lý do Nga trước đây không có một sở chỉ huy thống nhất cho toàn bộ lực lượng ở Ukraine là phạm vi tác chiến quá lớn và thiếu công nghệ thông tin để kết nối toàn bộ năng lực chỉ huy, kiểm soát của các cánh quân", Vautravers nhận định.
"Điều chúng ta đang thấy là một tướng, một sở chỉ huy giờ đây đang hoạch định và chỉ đạo chiến dịch. Nhưng nó cũng cho thấy từ thời điểm này, chiến dịch của Nga sẽ tập trung vào một khu vực nhất định", Vautravers nói thêm. "Đó có thể là Lugansk, Donetsk, hoặc miền nam Ukraine. Bởi vậy, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ thu hẹp về quy mô".
Vũ Anh (Theo TASS, Reuters, Al Jazeera)