"Bộ phận bảo mật công nghệ thông tin của Đài truyền hình Công cộng Thuỵ Điển (SVT) đã phát hiện rằng ứng dụng TikTok chia sẻ nhiều thông tin hơn cần thiết tới chủ sở hữu Trung Quốc Bytedance. Do đó, SVT quyết định nhân viên không được phép dùng ứng dụng TikTok trên điện thoại làm việc", SVT đăng trên trang web hôm 17/8.
Hồi đầu tháng, Đài phát thanh Thuỵ Điển (SR) cũng đưa ra quyết định tương tự. Phát ngôn viên của SR, Claes Bertilson, cho rằng TikTok "không đáp ứng những yêu cầu bảo mật với các thiết bị làm việc của nhân viên, như điện thoại do cơ quan cấp".
TikTok là ứng dụng mạng xã hội chia sẻ video nổi tiếng, hiện thu hút khoảng một tỷ người sử dụng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ứng dụng này đang trở thành tâm điểm của những căng thẳng địa chính trị.
Cuối tháng 6, Ấn Độ tuyên bố cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm cả TikTok, sau vụ đụng độ biên giới chết người giữa binh lính hai nước ở Himalaya.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/8 ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức nằm trong quyền xét xử của Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, và Tencent, chủ sở hữu của WeChat nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia".
Giới chức Mỹ nhiều lần bày tỏ quan ngại khả năng TikTok được Bắc Kinh sử dụng cho "mục đích bất chính". Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay dữ liệu về người dân Mỹ mà các công ty như TikTok đang thu thập có thể gồm "nhận dạng khuôn mặt, thông tin về nơi cư trú, số điện thoại, bạn bè".
TikTok và ByteDance phủ nhận mọi liên hệ với chính quyền Trung Quốc. Tổng giám đốc TikTok Mỹ Vanessa Pappas hồi đầu tháng khẳng định công ty đang nỗ lực để mang đến "một phần mềm an toàn nhất" cho người dùng.
Ngọc Ánh (Theo AFP)