"Trên đường đi làm đến Bộ Ngoại giao ở Stockholm, trông thấy một cô bé ngồi một mình trước toà nhà quốc hội với tấm biển ghi 'Nghỉ học vì khí hậu', tôi đến gần hỏi thăm và được biết cô bé là Greta Thunberg", Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe kể về lần gặp mặt đầu tiên với cô gái sau này trở thành biểu tượng cho phong trào chống biến đổi khí hậu.
Thunberg bắt đầu nghỉ học, khởi xướng phong trào biểu tình "Ngày thứ sáu cho tương lai" chống biến đổi khí hậu từ tháng 8/2018, khi mới 15 tuổi. Từ những cuộc biểu tình đơn độc ban đầu, Thunberg dần trở nên nổi tiếng toàn cầu. Phong trào sau đó lan rộng khắp thế giới thu hút hàng triệu thanh thiếu niên tham gia, trong đó có con gái của Đại sứ Mawe.
"7 tháng sau, tôi quay trở lại địa điểm đó cùng con gái mình, cũng tên là Greta, vì con bé muốn tham gia cuộc biểu tình bảo vệ khí hậu", bà Mawe nói tại sự kiện giới thiệu sách "Greta Thunberg: Chiến binh vì hành tinh xanh" sáng 4/6 tại Hà Nội.
Trong lần gặp thứ hai này, bà Mawe nhận thấy hàng nghìn trẻ em và thanh thiếu niên khác đã tập trung ở toà nhà quốc hội, ủng hộ phong trào của Thunberg. Con gái Đại sứ cũng trạc tuổi Greta Thunberg.
Thunberg năm ngoái được tạp chí Time vinh danh là "Nhân vật của năm" và được nhiều người nổi tiếng ủng hộ. Cô từng được đề cử giải Nobel Hòa bình 2019, nhưng giải thưởng cuối cùng được trao cho Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed. Đầu tháng 2, Thunberg tiếp tục được hai nghị sĩ Thụy Điển đề cử giải Nobel Hòa bình năm nay.
Đại sứ Mawe cho biết Thụy Điển có lịch sử lâu dài về các phong trào thanh thiếu niên cũng như các hoạt động vì môi trường. Quốc gia này đã thành lập cơ quan bảo vệ môi trường đầu tiên trên thế giới vào năm 1967 và tổ chức hội nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) đầu tiên về môi trường vào năm 1972.
Theo Đại sứ, từ năm 2018, Thụy Điển bắt đầu thực thi Đạo luật về Khí hậu, thông qua kế hoạch không phát thải khí nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch dài hạn tới năm 2045. Thụy Điển đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt ngưỡng trung hòa khí hậu, giảm mạnh khí thải từ ngành vận tải nội địa.
Hiện có đến 99% chất thải gia đình ở Thụy Điển được tái chế và chỉ 1% phải chôn lấp. Chất thải tái chế có thể được sử dụng làm khí sinh học để tạo ra nhiệt và điện năng thông qua giải pháp thân thiện với môi trường.
"Tất cả chúng ta đều có thể góp phần tạo ra các thay đổi cần thiết và không ai là quá nhỏ bé để tạo sự khác biệt", bà Mawe nói.
Ông Shin Umezu, Trưởng văn phòng Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam, cho biết LHQ chia sẻ thông điệp của Greta Thunberg, rằng các hành động và cam kết khí hậu mạnh mẽ là cần thiết để ngăn chặn biến đổi khí hậu và khủng hoảng về môi trường.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, cho biết Bộ đã trình Thủ tướng bản cập nhật Dự kiến Đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) vào cuối tháng 5.
Hồi 2015, Việt Nam đã gửi INDC tới Ban Thư ký Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu, trong đó cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể tăng lên tới 25% khi nhận được sự hỗ trợ quốc tế. Việt Nam cũng ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, trọng tâm là thực hiện INDC.
Theo ông Tấn, thanh thiếu niên có vai trò rất quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường và trong INDC của Việt Nam.
"Thanh thiếu niên không chỉ là nhân tố tích cực trong thực hiện các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam, mà còn là đối tượng gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ xảy ra trong vòng vài thập kỷ tới, nếu chúng ta không quyết liệt thực hiện các biện pháp ứng phó với hiện nay", ông Tấn nói.