"Hồi năm 1994, tôi tham gia đoàn tháp tùng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm thủ đô Washington DC. Khi đến ngôi nhà hiện là nhà của đại sứ Việt Nam, người của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đến mở cửa cho thăm, rồi họ khóa lại và giữ chìa khóa", Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ với VnExpress về trải nghiệm cá nhân, nhân dịp Việt - Mỹ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Trong suốt những năm Việt - Mỹ nỗ lực tháo gỡ nghi kỵ sau chiến tranh, khi Mỹ còn áp dụng lệnh cấm vận, các cán bộ Việt Nam tại Phái đoàn New York chỉ được phép di chuyển trong vòng 25 dặm, tương đương hơn 40 km, nếu muốn đi xa hơn thì phải đề nghị phía Mỹ.
"Nhưng từ năm 1995 đến nay thì mọi việc đã khác", ông Vinh nói.
Hào hứng lớn
Ông Phạm Quang Vinh hồi cuối tháng 2 năm ngoái trình Quốc thư lên Tổng thống Mỹ Barack Obama, chính thức trở thành Đại sứ Việt Nam thứ 5 tại Mỹ.
"Tôi có một cảm nhận rất mới, về sự mong muốn, cùng các cơ hội và tiềm năng hợp tác rất lớn giữa hai nước", Đại sứ Vinh nói về cảm nhận của mình sau những cuộc gặp gỡ cấp cao và các chuyến đi trong lòng nước Mỹ khi bắt đầu nhiệm kỳ.
Chưa đầy 6 tháng qua, ông Vinh đã có một lịch trình hoạt động dày đặc khi Việt - Mỹ xúc tiến các hoạt động kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ông gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao của Mỹ, từ Tổng thống Obama, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, Đại diện thương mại Micheal Froman đến các nghị sĩ John McCain, Patrick Leahy, Nancy Pelosi và Matt Salmon.
"Điều ấn tượng nhất là lãnh đạo, giới chức Mỹ đều đánh giá cao một Việt Nam đổi mới, hội nhập thành công, với vị trí quan trọng tại khu vực và đều mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ, hợp tác hai nước. Nói một cách thông thường thì đó là một sự hào hứng rất lớn từ phía sở tại về những cơ hội, tiềm năng hợp tác", ông Vinh cho hay.
Ông Vinh cho biết Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh Mỹ và Việt Nam trong 20 năm qua đã có bước phát triển quan hệ ấn tượng, đó là giai đoạn lịch sử đặc biệt và khẳng định "Mỹ mong muốn từ đà này đưa quan hệ đối tác hai nước lên tầm cao mới".
Những trải nghiệm trên đất Mỹ đã giúp tân đại sứ thấy rõ không gian để phát triển quan hệ Việt - Mỹ ở từng lĩnh vực còn rất nhiều. Với đà quan hệ hiện nay, hai nước chia sẻ tầm nhìn hướng tới tương lai, dựa trên các mục tiêu và nguyên tắc của Đối tác toàn diện mà hai nước ký kết hồi năm 2013. Hai nước còn rất nhiều tiềm năng ở khía cạnh có thể hợp tác nhiều hơn nữa trên các vấn đề quốc tế và khu vực, nhất là đóng góp vào hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.
Những cơ hội bị bỏ lỡ và cơ hội phía trước
Chia sẻ về một số ý kiến cho rằng Việt Nam và Mỹ từng bỏ lỡ nhiều cơ hội hàn gắn và phát triển hợp tác từ khi kết thúc chiến tranh 1975, Đại sứ Vinh cho rằng hai nước thực sự đã phải nỗ lực vượt qua "hội chứng chiến tranh". Bản thân đại sứ cũng chứng kiến giai đoạn Mỹ áp đặt lệnh cấm vận với Việt Nam và cả giai đoạn đầu của quan hệ ngoại giao, khi ông có hai nhiệm kỳ công tác tại New York những năm 1980 và 1990.
"Khi đó hội chứng chiến tranh và các khác biệt còn lớn lắm, hai nước đã có hợp tác, nhưng có lẽ đấu nhau nhiều hơn", ông Vinh nói.
Thời điểm Việt - Mỹ chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, ông Vinh đang công tác tại Vụ Tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao.
"Tôi rất cảm động và ấn tượng về những người bạn Mỹ, trong đó có các cựu binh, những người đã từng tạo nên phong trào phản chiến ngay trong lòng nước Mỹ và ủng hộ bình thường hóa, thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Điển hình là những người mà chúng ta đều biết là hai thượng nghị sĩ, cựu binh John McCain và John Kerry", ông Vinh chia sẻ.
Đại sứ Vinh cho biết ưu tiên số một của ông trong nhiệm kỳ của mình là thương mại và đầu tư. Đây là lĩnh vực mà hai nước đã và đang có những cơ hội và tiềm năng hợp tác rất to lớn. Thời gian tới kim ngạch hai chiều có thể tăng gấp đôi so với mức khoảng 35 tỷ USD hiện nay.
Đại sứ rất mong các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hiện diện và giành được nhiều chỗ đứng tại thị trường này, tranh thủ tối đa tiềm năng để tạo được các thương hiệu Việt Nam.
Ngoài ra, gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội to lớn đối với Việt Nam. Hiện nhiều mặt hàng của Việt Nam đang phải chịu hàng rào thương mại khi xuất khẩu sang Mỹ, với TPP, điều này sẽ được dỡ bỏ. Mặt khác, TPP sẽ tạo sức hấp dẫn mới về đầu tư bên ngoài vào Việt Nam và trên thực tế, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đã và đang lên kế hoạch để tăng cường đầu tư tại Việt Nam. Là nước kém phát triển hơn, Việt Nam cũng phải nỗ lực chuẩn bị hơn nhiều, nhất là về nâng cao sức sản xuất và năng lực cạnh tranh để tận dụng các cơ hội về thị trường, thương mại, đầu tư do TPP mở ra.
Nỗ lực thu hẹp khác biệt
Theo Đại sứ Vinh, với những kết quả "ngoài sức tưởng tượng" trong quan hệ hai nước trong suốt 20 năm qua, Việt - Mỹ đã cùng có chung kinh nghiệm rằng cần phải dựa trên các nguyên tắc chỉ đạo đã được xác định trong khuôn khổ Đối tác toàn diện, thúc đẩy hợp tác và thu hẹp các khác biệt.
"Hai nước đã và đang có những tiềm năng và cơ hội phát triển quan hệ và hợp tác rất lớn. Bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, và nhất là tăng cường hiểu biết và lòng tin tiếp tục là chìa khóa để hai nước nắm bắt cơ hội, đưa quan hệ lên tầm mới", ông Vinh cho hay.
Việc hai nước từ cựu thù, vượt qua hội chứng chiến tranh, trở thành bạn và đối tác toàn diện thực sự là bước tiến dài và rất ấn tượng trong quan hệ. Đó là cả một chặng đường dài 4 thập kỷ, với rất nhiều khó khăn, kể cả có những lúc tưởng chừng không vượt qua được. Với tinh thần nhân đạo, Việt Nam đã hợp tác tích cực và đầy đủ với phía Mỹ trong vấn đề tìm kiếm binh lính mất tích trong chiến tranh.
"Tôi cho rằng, với những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vấn đề này vẫn còn nhiều việc phải làm và rất cần sự giúp đỡ của quốc tế, nhất là phía Mỹ cần đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có về nguồn lực, khoa học kỹ thuật và trang thiết bị. Đây sẽ tiếp tục là lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa hai nước", Đại sứ nói.
Ngoài ra, ông Vinh cho rằng việc Mỹ chưa dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là điều "không bình thường" và lỗi thời. Bỏ lệnh cấm vận này sẽ có tính biểu tượng chính trị chứng tỏ Mỹ bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Việt Nam, điều mà các lãnh đạo Mỹ đều nói và cũng là tinh thần của Đối tác toàn diện. "Việc này càng làm sớm càng tốt. Nếu gắn điều này với nhân quyền, thì sẽ là hết sức vô lý", theo ông Vinh.
Ông Vinh thẳng thắn cho rằng sự khác biệt thể chế chính trị - xã hội giữa Việt Nam và Mỹ có thể dẫn đến cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau về các vấn đề như nhân quyền. Đến nay hai nước đã tiến hành 19 vòng đối thoại và nhiều trao đổi khác về lĩnh vực nhân quyền. Hai nước cũng thường xuyên hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, chia sẻ các thông tin, nắm bắt các quy định của nhau, để thúc đẩy hợp tác các mặt.
Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang diễn ra, theo ông Vinh, là sự kiện mang tính lịch sử và dấu mốc. Đây là dịp để hai nước khẳng định lại các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ, đánh giá những kết quả hợp tác trong 20 năm qua và chia sẻ tầm nhìn hướng tới tương lai, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện, hợp tác ổn định lâu dài, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng thể chế chính trị của nhau, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước và góp phần vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
"Với khuôn khổ Đối tác toàn diện và đà quan hệ hiện nay, tôi tin rằng, Việt - Mỹ không chỉ nắm bắt mà còn tạo thêm được cơ hội cho phát triển quan hệ hai nước", Đại sứ Vinh nhấn mạnh.
Việt Anh