Đại sứ New Zealand nói về tầm quan trọng của TPP. Video: Trần Huấn.
"Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là một trọng tâm của chúng tôi ở APEC lần này, chúng tôi hy vọng cuộc họp thượng đỉnh sẽ mang lại kết quả và New Zealand đang nỗ lực rất nhiều vì mục tiêu đó", Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Matthews trao đổi với VnExpress về ưu tiên của nước này tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng ngày 6-11/11.
Đại sứ đánh giá kể cả khi Mỹ rút khỏi TPP, Hiệp định vẫn có những lợi ích kinh tế và chiến lược đáng kể. 11 nước thành viên còn lại vẫn thúc đẩy hiệp định và cuộc thảo luận gần đây nhất diễn ra cuối tháng 10 ở Nhật Bản. Theo bà Matthews, nước chủ nhà APEC Việt Nam đang nỗ lực để TPP đạt kết quả thực chất.
"Chúng tôi ủng hộ tự do kinh tế và hội nhập kinh tế, coi các thỏa thuận lớn của khu vực, như TPP có giá trị thực chất. Các thỏa thuận này đem lại cơ hội cho các nước thảo luận về các chuỗi giá trị toàn cầu, giúp thúc đẩy tăng trưởng cho khu vực và thúc đẩy dòng chảy lớn của hàng hóa trong khu vực", bà Matthews nói.
Vài năm qua, các nước đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong khu vực và trên thế giới. Các nước đang phải đối diện với tiếng nói bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng. Tăng trưởng khá chậm ở một số khu vực, trong đó có châu Á - Thái Bình Dương. Đại sứ cho rằng thương mại mở, hội nhập kinh tế sẽ giúp khu vực duy trì sự thịnh vượng.
"Các nước cần phải xem xét để tiếp tục tăng trưởng, cân nhắc các mô hình khác nhau. Ví dụ New Zealand nỗ lực hỗ trợ ngành dịch vụ do dịch vụ đang chiếm phần lớn hơn", bà Matthews nói.
Bên cạnh đó, New Zealand cũng nỗ lực xử lý vấn đề thuế quan với hàng hóa, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.
"Chúng ta cần hiểu hơn vì sao có các rào cản thương mại, xem xét chúng có thực hiện các mục tiêu chính trị quan trọng, hay có thể được sửa đổi không, để tạo thuận lợi cho dòng lưu thông hàng hóa", Đại sứ gợi ý.
Tại Cấp cao APEC năm nay, New Zealand cũng dành mối quan tâm lớn đến thương mại tự do với ngành nông nghiệp và an ninh lương thực. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chiếm đến 35% tổng xuất khẩu của New Zealand.
Theo bà Matthews, trong khu vực APEC, mặc dù thuế đã được giảm đáng kể đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhưng vẫn ở mức cao. Mức thuế trung bình với hàng hóa trong APEC là khoảng 5%, nhưng thuế với sản phẩm nông nghiệp có thể là 20%.
Về hợp tác song phương với Việt Nam, New Zealand nhận thấy hai nước có tiềm năng rất lớn, nhất là nông nghiệp. New Zealand đã sản xuất các sản phẩm chất lượng, an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc, công nghệ bảo đảm hệ thống tạo ra các sản phẩm an toàn và ngon. Việt Nam cũng đang tăng mối quan tâm về quản lý, có ủy ban an toàn thực phẩm. Các sản phẩm của hai nước bổ sung cho nhau. New Zealand mạnh về các sản phẩm từ sữa, Việt Nam mạnh về cafe.
Đại sứ Matthews lưu ý Cấp cao APEC năm nay ở Việt Nam cũng là cuộc gặp đầu tiên của chính phủ mới của New Zealand với lãnh đạo các đối tác chính trong khu vực.
"Các nhà lãnh đạo New Zealand và các nước sẽ bàn về về hợp tác, các vấn đề thương mại, cơ hội và thách thức", bà nói.
Việt Anh