"Bình thường hóa trình tự thông quan tại các cửa khẩu biên giới hai nước sẽ giúp xuất khẩu những mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, sang Trung Quốc hiệu quả và thuận lợi hơn", ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, nói với VnExpress về tác động của chính sách mở cửa mà Trung Quốc đang thực hiện sau ba năm áp dụng chiến lược "Không Covid".
Tuyên bố được ông đưa ra sau khi Trung Quốc nới lỏng các quy định phòng chống dịch, mở cửa biên giới từ ngày 8/1 và gỡ bỏ các biện pháp xét nghiệm Covid-19 tại cửa khẩu với hàng hoá nhập khẩu, gồm cả hàng đông lạnh. Người nhập cảnh vào Trung Quốc từ thời điểm này cũng chỉ cần xét nghiệm PCR âm tính với nCoV trong 48 giờ và không cần cách ly.
Trung Quốc đã yêu cầu các tỉnh, khu tự trị nối lại thông quan hàng hóa và vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới một cách trật tự, ổn định theo phân loại và trình tự.
Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị các địa phương, doanh nghiệp chủ động cập nhật thông tin về tình hình hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu biên giới. Các vùng trồng nông sản xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc và doanh nghiệp xuất nhập khẩu phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc điều phối lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn,
Ông Hùng Ba đánh giá những điều chỉnh này "chắc chắn sẽ mang lại lợi ích lớn cho hợp tác kinh tế và giao lưu nhân dân" giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Theo ông, các chính sách mà Trung Quốc áp dụng gần đây sẽ giải phóng hoàn toàn dòng người, hậu cần (logistic) và nguồn vốn, kích hoạt thị trường và tiêu dùng.
"Điều này sẽ tăng nhu cầu của Trung Quốc đối với nhiều mặt hàng, trong đó có hàng hóa Việt Nam, kích thích hơn nữa thương mại song phương", ông nói.
Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 41,22 tỷ USD.
Đề cập đến hoạt động qua lại biên giới, du lịch, Đại sứ Hùng Ba cho biết Trung Quốc sẽ từng bước tối ưu và điều chỉnh chính sách thị thực để đáp ứng nhu cầu của công dân các nước đến Trung Quốc, ưu tiên cho người nước ngoài tới làm việc, sản xuất, kinh doanh, du học và thăm thân, đoàn tụ.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục điều chỉnh khoa học và linh hoạt chính sách đối với người nước ngoài đến Trung Quốc theo diễn biến tình hình dịch, tạo điều kiện tốt hơn cho giao lưu nhân dân an toàn, lành mạnh và trật tự, trong đó có công dân Việt Nam và Trung Quốc", ông nói.
Sau khi mở cửa, Trung Quốc hủy bỏ các biện pháp kiểm soát số lượng chuyến bay chở khách quốc tế, cũng như từng bước khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh và vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy.
Năm 2019, trước khi Covid-19 bùng phát, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam, trong khi khoảng 4,5 triệu lượt khách Việt Nam đi du lịch Trung Quốc, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Trong hội nghị về giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam ngày 9/1, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định khi các cửa khẩu đường bộ, đường biển được mở, đường bay thương mại giữa hai nước được nối lại, đây sẽ là cơ hội lớn cho các hoạt động du lịch quốc tế của toàn ngành, cũng như các địa phương, doanh nghiệp.
"Chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy du khách Trung Quốc đi ra nước ngoài một cách trật tự và tích cực, cũng như tin rằng các nước láng giềng với chính sách nhập cảnh thân thiện sẽ trở thành lựa chọn đầu tiên của họ", đại sứ Trung Quốc Hùng Ba khẳng định.
Ông cho rằng quyết định nới lỏng chính sách "Không Covid" của Trung Quốc nhằm mục đích bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe người dân, đồng thời giảm tối đa tác động của dịch bệnh với phát triển kinh tế - xã hội. Điều này "phù hợp với mong đợi và nguyện vọng của nhân dân cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế", ông nói.
Khi được hỏi về cách Trung Quốc ứng phó với tình huống xuất hiện biến chủng nCoV mới hoặc đại dịch mới, đại sứ Hùng Ba tuyên bố nước này sẽ "tôn trọng khoa học, không ngừng căn cứ tình hình thực tế để tối ưu hóa và hoàn thiện các biện pháp phòng chống dịch".
Ông đánh giá tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đang "trong tầm kiểm soát", nước này đã qua thời kỳ dịch bệnh nghiêm trọng nhất, cũng như có đầy đủ điều kiện và cơ sở phòng dịch tốt hơn.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc phân loại Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B không đồng nghĩa buông lỏng để mặc dịch bệnh lây lan. "Covid-19 chưa kết thúc trên toàn cầu, chưa xác định được chiều hướng diễn biến của đại dịch. Nhiều quốc gia vẫn áp dụng biện pháp phòng chống và kiểm soát Covid-19 cao hơn bệnh truyền nhiễm bình thường", ông Hùng Ba nói.
Nguyễn Tiến