Tiết mục diễn ra trong chương trình Se sẽ chứ tại L’Espace sáng 18/4, kỷ niệm 73 năm ngày sinh cố thi sĩ (17/4/1948). Ông Vitezslav Grepl - Đại sứ Cộng hòa Czech - và phu nhân Renata Greplova tham gia đọc thơ. Ngay khi đọc câu đầu tiên, ông bật khóc. Ông phải dừng một lúc lâu để bình tĩnh, hoàn thành bốn câu thơ trong tiếng vỗ tay động viên của khán giả.
Bà Renata Greplova cho biết lời thơ và sự ra đi của Lưu Quang Vũ gợi nhớ sự mất mát, chia cách với người thân mà vợ chồng bà phải trải qua vì Covid-19. Bởi thế, chồng bà đồng cảm và rơi nước mắt. Bà nói: "Tôi tìm thấy minh chứng về sức mạnh của thơ ca. 33 năm kể từ tai nạn cướp đi sinh mạng của hai cố nhà thơ, khi đọc tác phẩm của họ vẫn khiến tôi cảm thấy có thể mở lòng, trân trọng vẻ đẹp của nó".
Lần đầu tiên tác phẩm của Lưu Quang Vũ được chuyển thể, đọc bởi 20 ngôn ngữ khác nhau như: Pháp, Mông Cổ, Cộng hòa Czech, Đức, Rwanda, Ba Tư, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật và tiếng dân tộc H’mong, Thái, Chăm... Leila Bello - người đọc thơ bằng tiếng Amharic - thấy may mắn khi được tham dự chương trình. Chị xúc động trước những gì hai nhà thơ trải qua trong cuộc đời. "Tôi đã khóc khi đọc đoạn thơ mà Vũ viết cho Quỳnh bằng tiếng mẹ đẻ của tôi. Tôi cảm thấy mình đang được tham gia vào một phần bước chuyển lịch sử của thơ, kịch và nhạc tại Việt Nam", chị nói.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết từ bản dịch Việt - Anh của Trịnh Lữ, những người tham gia tự chuyển ngữ và tập đọc. Nhiều người còn đi tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp thơ ca của Lưu Quang Vũ để hiểu tinh thần tác phẩm, dịch đúng và đọc hay hơn.
Loạt khách mời mang đến nhiều cảm xúc, màu sắc cho chương trình. Sau phần chiếu phim tài liệu về cuộc đời Lưu Quang Vũ của đạo diễn Nguyễn Thước, chân dung cố thi sĩ hiện lên qua những tiết mục đọc thơ, nhạc và cả những câu chuyện tâm tình. Nhà giáo Nguyễn Quang Hòa - bạn thân của Lưu Quang Vũ - đọc bài Tím chân chim cố thi sĩ viết tặng ông nhân sinh nhật 30 tuổi. Tác phẩm chưa từng in trong tài liệu nào.
Vợ chồng nghệ sĩ Lan Hương - Đỗ Kỷ hóa thân Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, kể lại chuyện tình mãnh liệt, bao dung nhưng cũng đầy day dứt của cả hai. Diện áo dài xanh, tóc buông xõa, Lan Hương khắc họa tâm trạng khi yêu của Xuân Quỳnh với bài Vô đề II (viết cho Lưu Quang Vũ). Khi chị đang đọc thơ, ông xã - NSƯT Đỗ Kỷ - bước ra sân khấu với một bó cúc xanh. Anh tặng hoa rồi vỗ về chị bằng những câu chữ trong Thơ ru Quỳnh ngủ. NSND Lê Khanh diễn giải về kịch của Lưu Quang Vũ qua loạt vai diễn mà chị từng tham gia. Mỹ Linh lại đưa khán giả vào không gian âm nhạc lãng mạn với ca khúc Thuyền và biển (Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Xuân Quỳnh).
Việt Anh - thành viên của Vlog 1977 - xuất hiện trên sân khấu với sơ mi trắng, quần đen, đi dép khiến nhiều người liên tưởng đến Lưu Quang Vũ. Anh đọc bài Có những lúc với chất giọng khàn, sâu lắng khiến khán giả thích thú. Việt Anh nói thấy mình trong tác phẩm - một gã trai trẻ bất cần, nội tâm giằng xé, luôn tràn đầy niềm tin vào con người, cuộc đời.
Tại Sài Gòn, gần 100 người hâm mộ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh tham dự buổi họp mặt tại Đại học Hoa Sen, với nhiều hoạt động tương tác nhằm tôn vinh thơ hai cố thi sĩ. Từ những dòng thơ ban đầu của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, các độc giả viết tiếp những câu thơ bằng xúc cảm của riêng họ.
Ngoài ra, độc giả còn tham gia trò chơi "Thơ xóa", tức lấy bút xóa đi hay giữ lại những vần thơ của hai tác giả, từ đó khám phá ngóc ngách sáng tạo của bản thân. Ban tổ chức cho biết qua các hoạt động giao lưu, họ muốn người yêu thơ nhận ra vẻ đẹp của sự kết nối và tự bày tỏ tâm hồn qua thơ ca.
Hiểu Nhân - Xuân Nhật