Tối 26/8, đêm thơ, nhạc, kịch tưởng nhớ Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình không bán vé, chỉ dành vé mời cho bạn bè, người thân của gia đình cùng một số khách đặc biệt. Vì thế, trước giờ diễn, nhiều người hâm mộ không có cơ hội vào xem. Chị Hà (54 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho biết do không tìm hiểu kỹ nên tưởng có thể mua vé ngay tại nhà hát. Anh Trung - một xe ôm công nghệ ngoài 50 tuổi - đến vì tình yêu với thơ Lưu Quang Vũ. Anh chia sẻ các phe vé ra giá một triệu đồng một chiếc, vượt quá khả năng chi trả nên anh đành ra về. "Tôi tiếc vì chương trình giới hạn đối tượng khách mời. Như vậy, những người như tôi rất khó tiếp cận. Lưu Quang Vũ là nghệ sĩ tôi ngưỡng mộ. Tôi thuộc nhiều thơ của ông", anh Trung nói.
* Nghệ sĩ hát, đọc thơ trong đêm tưởng nhớ Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ
Trong chương trình, nhà báo Lưu Quang Định - em trai cố nghệ sĩ Lưu Quang Vũ đồng thời là trưởng ban tổ chức - xin lỗi người hâm mộ vì chương trình không đủ vé để mở bán. "Tôi nhận được hàng trăm cuộc điện thoại từ bạn bè của gia đình và những người yêu mến hai anh chị. Có những khán giả sẵn sàng bay từ miền Nam ra để tham dự đêm diễn. Tôi rất tiếc vì không thể giới thiệu sự kiện ý nghĩa này đến nhiều người hơn", ông Định chia sẻ.
20h, chương trình bắt đầu, các khán giả, ngồi kín khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội, chủ yếu ở độ tuổi trung niên. Với chủ đề Tình yêu ở lại, đêm diễn tái hiện tình yêu vĩnh cửu của hai cố nghệ sĩ qua những vần thơ tình. Bạn thơ nhận định Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh có hồn thơ đồng điệu. Trong những tháng ngày họ sống bên nhau, Lưu Quang Vũ viết các bài như Em, Và anh tồn tại với giọng thơ đượm yêu thương. "Dù sao cuộc đời đã dành em lại cho anh/ Điều mong ước đầu tiên, điều ở lại sau cùng/ Chúng ta đi bên nhau trên mặt đất/ Dẫu chỉ riêng điều đó là có thật" (trích bài thơ Em). Trong Bài hát ấy vẫn còn là dang dở, thi sĩ như tiên đoán về một kết thúc đẹp nhưng buồn của hai người: "Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay/ Ta đã có những ngày vui sướng nhất/ Đã uống cả men nồng và rượu chát/ Đã đi qua cùng tận của con đường".
Với Xuân Quỳnh, đó là những vần thơ về nỗi lòng đàn bà, thể hiện tình yêu cuồng nhiệt, khát khao hạnh phúc, làm tròn trách nhiệm gia đình của thi sĩ. NSƯT Vương Hà tràn ngập cảm xúc khi đọc những vần thơ trong Tự hát: "Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Là máu thịt, đời thường ai chẳng có/ Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi". Ở dưới khán phòng, nhiều khán giả lặng người thốt lên: "Hay quá!".
Chương trình cũng giới thiệu các tác phẩm thơ được phổ nhạc của hai cố nghệ sĩ. Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Bầu trời trong quả trứng của Xuân Quỳnh được dàn dựng đẹp mắt. Hai tiết mục của Tùng Dương là điểm nhấn trong đêm diễn. Anh lôi cuốn khán giả qua giọng hát dày, khỏe, giàu cảm xúc với ca khúc Thuyền và biển, phổ thơ Xuân Quỳnh. Anh cũng hát Lời chào mùa hạ, một sáng tác mới của nhạc sĩ Nguyễn Cường, phổ thơ Lưu Quang Vũ. Ca khúc có tiết tấu sôi động, mạnh mẽ, mang đến cảm xúc mới mẻ cho người nghe.
Ở phần cuối, các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ diễn trích đoạn kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy, tác phẩm gửi gắm thông điệp về hạnh phúc thông qua câu chuyện liên quan đến việc chế tạo người máy. Tuy nhiên, do thời lượng khá ngắn, nhiều khán giả chưa hiểu được thông điệp, nội dung tác phẩm.
Tại đêm nhạc, nhiều bạn bè cùng thời với Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ ôn lại kỷ niệm về hai nghệ sĩ. NSND Doãn Châu ngậm ngùi kể lại đêm định mệnh trước ngày Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ ra đi. Hôm đó, gia đình Doãn Châu và gia đình Lưu Quang Vũ cùng đi chơi ở biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Hai người đã giãi bày những khó khăn trong cuộc sống. Lưu Quang Vũ động viên Doãn Châu: "Dù vất vả, bằng mọi giá chúng ta vẫn phải làm cho cuộc đời này tốt đẹp hơn". Câu nói ấy khiến nghệ sĩ Doãn Châu ghi nhớ đến bây giờ. NSND Doãn Châu nấc nghẹn khi hồi tưởng về vợ chồng người bạn.
Ông cũng hào hứng kể về Lưu Quỳnh Thơ - con trai hai cố nghệ sĩ đồng thời là con nuôi của ông. Lên sáu tuổi, Quỳnh Thơ sớm bộc lộ tài năng hội họa, từng được giải quốc gia cuộc thi vẽ dành cho thiếu nhi. Nghệ sĩ nhanh chóng nhận ra tác phẩm của Quỳnh Thơ được ban tổ chức chương trình giới thiệu. Phía dưới hàng ghế khán giả, nhiều người trầm trồ khen bức tranh đẹp. Một số khác nín lặng, vài người rớm nước mắt.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng sống chung khu tập thể với Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ. "Năm 1986, tôi bỗng linh cảm một điều chẳng lành. Tôi khuyên chị Quỳnh, anh Vũ thời gian tới không nên đi lại cùng nhau. Điều đó khiến chị rất buồn và mắng tôi. Khi anh chị ra đi, tôi vô cùng bàng hoàng. Sau 30 năm, nỗi chua xót trong tôi vẫn còn nguyên vẹn", Trần Đăng Khoa nói. Ông bày tỏ mong muốn Hà Nội có một con đường mang tên "Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ" để tưởng nhớ cặp nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh.
Đêm diễn kết thúc lúc 22h15 với những vần thơ trích trong bài Tôi chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn. "Tôi chọn bài ca của người gieo hạt/ Hôm nay là mầm, mai sẽ thành cây/ Khổ đau dẫu nhiều tôi chọn niềm vui/ Là suối mát lòng tôi gửi bạn/ Một cuộc đời - một bài ca duy nhất/ Tôi chẳng muốn điệu hát buồn là kỷ niệm về tôi". Bài thơ gieo những dư âm trong trẻo trong lòng khán giả về một cuộc sống tươi đẹp.
Kết thúc đêm diễn, chị Thư (58 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) tìm mua những cuốn sách của Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ được bày bán ở sảnh. "Tôi xúc động nhất khi được nghe những vần thơ tình của hai cố thi sĩ. Tôi khâm phục tài năng và ngưỡng mộ tình yêu của họ. Hai người đã yêu nhau 'cả khi chết đi rồi'".
Hà Thu
Ảnh: Giang Huy
Video: Huy Mạnh