Thông tin được bà Robyn Mudie chia sẻ với phóng viên VnExpress trong chuyến công tác tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới đây.
- Thưa Đại sứ, xin bà cho biết thời gian qua Australia đã hỗ trợ sự phát triển bền vững của ĐBSCL như thế nào?
- Từ năm 2000, Australia đã đóng góp hơn 650 triệu AUD để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực ĐBSCL, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh, tăng cường dịch vụ công, xây dựng nguồn nhân lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Các hỗ trợ này bao gồm việc xây dựng cầu Mỹ Thuận và Cao Lãnh, khoản đầu tư viện trợ lớn nhất từ trước đến nay của Australia vào lục địa Đông Nam Á. Trong khuôn khổ chương trình Đối tác giữa Australia và Ngân hàng Thế giới, chúng tôi hỗ trợ thực hiện phân tích kỹ thuật cho các vấn đề mà ĐBSCL đang phải đối mặt. Chương trình này cũng đóng góp vào việc soạn thảo Kế hoạch tổng thể cho khu vực, sắp được Chính phủ Việt Nam công bố. Ngoài ra, rất nhiều học giả ĐBSCL được đào tạo, học tập thông qua chương trình hợp tác.
Chúng tôi hỗ trợ ĐBSCL một cách tổng thể, liên quan nhiều lĩnh vực. Năm ngoái, chúng tôi đã khởi động Chiến lược Tăng cường Hợp tác kinh tế Australia - Việt Nam (EEES) bao gồm mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư hai chiều và trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu. Kế hoạch thực hiện chiến lược này đề ra tám lĩnh vực chính mà chúng tôi cho rằng có cơ hội để phát triển hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Chúng tôi cũng mong đợi trong thời gian tới khi Kế hoạch tổng thể về Phát triển bền vững khu vực ĐBSCL được công bố, sẽ có thêm các cơ hội mới được khám phá trong khuôn khổ của chiến lược hợp tác EEES.
- Theo bà những nguy cơ gần nhất mà người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải đối mặt do biến đổi khí hậu là gì?
- Trong chuyến thăm này, tôi đã có cơ hội thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL với một số bên liên quan bao gồm vấn đề nhiệt độ tăng cao, thay đổi cường độ mưa, dòng chảy của sông xuống mức thấp, xâm nhập mặn, lũ lụt và hạn hán. Tất cả những điều này đều có tác động nghiêm trọng đến nhà cửa, cơ sở hạ tầng, cây trồng và nghề cá. Kết quả là các cộng đồng dễ bị tổn thương phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và suy giảm sinh kế.
Để có được thành công trong dài hạn, việc ĐBSCL và các quốc gia trong lưu vực sông MeKong ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào là rất quan trọng. Điều quan trọng là khu vực tư nhân, chính phủ, cộng đồng cần phối hợp cùng nhau để tìm ra chiến lược giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng chống chọi và tính bền vững của việc sản xuất.
Cần bù đắp thiệt hại gây ra bởi các tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc thay đổi phương thức sản xuất cũng như phương pháp canh tác. Đây là những điều chúng tôi đang thảo luận với các đối tác khác nhau ở khu vực này. Để làm được, cần có sự phối hợp giữa chính phủ và các bên liên quan cũng như doanh nghiệp để điều chỉnh sinh kế và phương thức sản xuất. Sẽ có nhiều cơ hội cho chúng ta hợp tác mạnh mẽ hơn để bù đắp những tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL - khu vực cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam.
- Australia hỗ trợ Việt Nam như thế nào để giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong thời gian tới, thưa bà?
- Australia và Việt Nam đã cam kết thực hiện các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với hoàn cảnh đặc biệt của mỗi nước. Vào tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng hai nước đã ra tuyên bố chung về tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu. Australia đã cam kết tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển trong khu vực Indo -Thái Bình Dương, lên tới 2 tỷ AUD trong giai đoạn 2020-2025.
Cam kết tăng cường tài trợ liên quan đến biến đổi khí hậu là một phần trong cam kết dài hạn của chúng tôi để giúp các nước láng giềng tăng khả năng thích ứng và sức chống chịu với biến đổi khí hậu. Những hỗ trợ này cũng giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng tái tạo trong tương lai.
Hỗ trợ tài chính về khí hậu của Australia cũng sẽ thúc đẩy khối tư nhân đầu tư nhiều hơn vào các giải pháp để thúc đẩy công nghệ sạch, bởi vì khối tư nhân đóng vai trò quan trọng trong giải pháp dài hạn cho vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng ta cần hợp tác với nhau- khu vực tư nhân, chính phủ và cộng đồng - để đưa ra các giải pháp nhằm bù đắp các thiệt hại gây ra bởi tác động của biến đổi khí hậu. Australia đã có các hỗ trợ tài chính trị giá 140 triệu AUD để đầu cho tư cho khối tư nhân tìm các giải pháp liên quan đến biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, chúng tôi đang xem xét khả năng thích ứng và phục hồi cũng như tầm quan trọng của các giải pháp mang tính tự nhiên trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Chúng ta cần khám phá những cơ hội hợp tác sâu sắc hơn trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp trong tương lai.
Chúng tôi cũng đang thiết kế các dự án mới trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Mekong-Australia có trị giá 232 triệu AUD được thực hiện ở tất cả năm nước Mekong. Chúng tôi hỗ trợ các hoạt động như nâng cao nguồn nhân lực, nước, năng lượng, khí hậu và nâng cao sức chịu đựng của nền kinh tế, công nghệ mạng và các vấn đề khác, trong đó bao gồm các sáng kiến có lợi cho Việt Nam.
Có rất nhiều sáng kiến được đưa ra, trong đó có chương trình giảm khí thải và nâng cao trong sản xuất gạo cũng như các giải pháp dựa vào tự nhiên như dự án về canh tác lúa, tôm và cá ở khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An).
- Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của các chương trình hỗ trợ đã được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long?
- Tôi tự hào về tất cả các dự án đã được triển khai tại khu vực này trong nhiều năm. Tôi cũng đã đề cập rằng Australia luôn thể hiện cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển khu vực ĐBSCL.
Trong chuyến đi này tôi có cơ hội được tham quan một vài dự án, trong đó có dự án hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR). Dự án này kỳ vọng tăng năng suất canh tác cho nông dân, những người bị ảnh hưởng bởi sự nhiễm mặn bằng việc đa dạng hóa giống cây trồng và lựa chọn các giống cây phù hợp với điều kiện khí hậu của khu vực. Đây là một dự án thực sự ấn tượng và tôi hy vọng nó sẽ được nhiều người dân áp dụng.
Tôi cũng dự lễ khai trương ki-ốt nước được lắp đặt để cung cấp nước ngọt hàng ngày cho khoảng 800 học sinh và nhân viên Trường tiểu học Tân Huề ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Dự án này chỉ là một phần trong sự hợp tác sâu rộng của chúng tôi trong việc hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề quản lý nước ở ĐBSCL.
Và sau cùng, tôi đến thăm vườn quốc gia Tràm Chim nơi Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) hỗ trợ công nghệ tiên tiến nhằm giúp bảo tồn đa dạng sinh học phong phú của ĐBSCL.
Một lần nữa tôi muốn khẳng định sự hỗ trợ sâu rộng của Australia đối với khu vực miền Tây thông qua rất nhiều dự án trong nhiều thập kỷ. Tất cả đều rất ấn tượng và chúng tôi tự hào về các hỗ trợ này.
Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở phần cuối cùng của Châu thổ sông Mekong, gồm 13 tỉnh/thành là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và T.P Cần Thơ; với diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, chiếm khoảng 12% diện tích cả nước. Toàn vùng có khoảng 17,5 triệu dân, chiếm 18% dân số cả nước.
Với trên 2,4 triệu ha đất nông nghiệp và khoảng 700.000ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, toàn vùng đã đóng góp 54% sản lượng lúa, cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu; 70% lượng thủy sản và 60% sản lượng trái cây của cả nước.
Miền Tây có lợi thế là được thiên nhiên ưu đãi (địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa) và nguồn lao động dồi dào. Song vùng đất này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: tình trạng biến đổi khí hậu, suy giảm chất lượng nguồn tài nguyên, chất lượng lao động còn hạn chế...