"Sau khi đại dịch lắng xuống, không quân Trung Quốc có thể đẩy mạnh các chuyến bay vượt đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan ngày càng thường xuyên, cho đến khi đường ranh giới này biến mất hoàn toàn. Họ sẽ tạo ra hiện trạng mới để thường xuyên hoạt động gần hơn vùng trời Đài Loan, cũng như di chuyển tùy ý quanh hòn đảo", một cựu quan chức cấp cao lực lượng phòng vệ Đài Loan hôm qua cho biết.
"Đường trung tuyến" mà cựu quan chức này nhắc tới là ranh giới do Mỹ vạch ra năm 1954, được ngầm hiểu là đường phân định eo biển Đài Loan. Nó không có hiệu lực pháp lý, nhưng lực lượng quân sự Trung Quốc và Đài Loan đều tránh vượt giới tuyến này nhằm hạn chế nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn.
Tuy nhiên, giới chức Đài Loan đang ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực quân sự trực tiếp trong năm nay, sau khi khống chế thành công Covid-19. Các hoạt động áp sát của không quân Trung Quốc sẽ dưới ngưỡng châm ngòi chiến tranh, nhưng sẽ giúp Bắc Kinh gia tăng kiểm soát ở khu vực về mặt quân sự, tương tự những gì nước này đã làm ở Biển Đông.
Tiêm kích và oanh tạc cơ Trung Quốc hồi đầu năm nay đã nhiều lần vượt qua đường trung tuyến, gây áp lực đáng kể với lực lượng phòng vệ hòn đảo. Đây là lần đầu tiên không quân Trung Quốc thực hiện hoạt động vượt đường ranh giới này trong 20 năm qua.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan hồi đầu tháng cáo buộc máy bay Y-8 Trung Quốc bay vào vùng nhận diện phòng không quanh hòn đảo, buộc Đài Bắc triển khai tiêm kích xua đuổi.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Một số tướng quân đội Trung Quốc nghỉ hưu gần đây cho rằng nước này đang có thời cơ tiến đánh Đài Loan, bởi Mỹ không thể bảo vệ hòn đảo khi cả 4 tàu sân bay ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều gần như "tê liệt" do Covid-19.
Báo Nhật Kyodo News tuần trước dẫn nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc cho biết Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Bộ, đơn vị phụ trách tác chiến trên Biển Đông, sẽ triển khai lực lượng lớn chưa từng có với nhiều tàu đổ bộ, trực thăng, tàu đệm khí và hải quân đánh bộ cho cuộc tập trận ngoài khơi đảo Hải Nam vào tháng 8.
Theo các nguồn tin, mục tiêu giả định của cuộc tập trận là quần đảo Đông Sa, nằm ở phía đông bắc Biển Đông, hiện do lực lượng phòng vệ Đài Loan kiểm soát. Đây được coi là địa điểm có vai trò chiến lược với tham vọng mở rộng hoạt động của Bắc Kinh, do quần đảo Đông Sa nằm trên tuyến di chuyển của lực lượng hải quân Trung Quốc đóng tại đảo Hải Nam ra Thái Bình Dương.
Cùng lúc đó, Trung Quốc bắt đầu cuộc diễn tập bắn đạn thật kéo dài 11 tuần trên biển Bột Hải, động thái được nhiều chuyên gia quân sự nhận định là cuộc huấn luyện chuẩn bị cho kịch bản tấn công Đài Loan.
Một quan chức cấp cao tại Đài Bắc cho rằng những động thái gần đầy của Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc đang ngày càng "bực bội" với Đài Loan liên quan đến thành công của hòn đảo trong việc ứng phó Covid-19.
Dù nằm gần Trung Quốc đại lục, Đài Loan đã khống chế hiệu quả đại dịch, khi chỉ ghi nhận 440 ca nhiễm. Mô hình chống dịch của Đài Loan đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, khiến ngày càng nhiều nước ủng hộ việc hòn đảo gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bất chấp sự phản đối quyết liệt của Bắc Kinh.
"Vì lý do đó, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đang rất căng thẳng", quan chức cấp cao ở Đài Bắc nhận xét. Các quan chức khác thì cho rằng rủi ro với hòn đảo là rất lớn, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nước này chưa ghi nhận các hoạt động đột biến của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan, thêm rằng phát biểu của một số cựu tướng Trung Quốc có thể là tín hiệu gửi đến lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, người sắp nhậm chức nhiệm kỳ hai. Dù vậy, năng lực không quân và hải quân ngày càng lớn sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường hoạt động gần đảo Đài Loan nhằm răn đe Washington và Đài Bắc.
"Các chiến dịch đó có thể tập trung ở bờ biển phía tây và nam đảo Đài Loan, nơi máy bay Trung Quốc nhiều lần vượt đường trung tuyến", quan chức này nhận định.
Khu vực phía nam đảo Đài Loan không có đủ lực lượng đối phó các đợt xâm nhập từ Trung Quốc đại lục, do những phi đội tiêm kích F-16 chủ lực đều tập trung ở phía bắc. "Bờ biển phía tây và nam là vùng hở sườn của Đài Loan, chúng tôi đang giải quyết vấn đề đó", cựu cố vấn an ninh Đài Loan giấu tên tiết lộ.
Mỹ và Trung Quốc gần đây có những động thái "vờn nhau" quanh đảo Đài Loan, một phần trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 3 ký ban hành Đạo luật Sáng kiến Cải thiện và Bảo vệ Đồng minh Quốc tế Đài Loan (TAIPEI) với sự ủng hộ của hai viện quốc hội, trong đó yêu cầu Bộ Ngoại giao báo cáo những bước tăng cường quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Ông chủ Nhà Trắng cũng ủng hộ mạnh mẽ quyền tự quyết của Đài Loan và thúc đẩy các hợp đồng bán vũ khí lớn cho hòn đảo kể từ khi lên nắm quyền.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng gia tăng áp lực với Đài Loan, đe dọa Đài Bắc sẽ phải "trả giá" nếu theo đuổi chủ nghĩa ly khai, nhiều lần tiến hành các cuộc diễn tập không quân, hải quân quy mô lớn xung quanh Đài Loan với sự tham gia của các khí tài hiện đại nhất trong biên chế như tiêm kích đa năng Su-35S, máy bay tàng hình J-20, oanh tạc cơ chiến lược H-6K và tàu sân bay Liêu Ninh.
Vũ Anh (Theo Financial Times)