"Chúng tôi đặt ra yêu cầu và phát triển lực lượng phù hợp với khái niệm về chiến lược răn đe mạnh mẽ, trong đó bao gồm năng lực chiến đấu và tác chiến phi đối xứng đáng tin cậy để củng cố khả năng phòng thủ", Yen De-fa, người đứng đầu cơ quan phòng vệ Đài Loan, hôm nay nói với các phóng viên, đề cập đến việc Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê chuẩn thương vụ trị giá 1,8 tỷ USD bán nhiều loại vũ khí hiện đại cho hòn đảo.
Ông Yen cảm ơn Mỹ, cho biết những hợp đồng vũ khí vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt sẽ giúp Đài Bắc cải thiện năng lực phòng thủ để "đối phó với tình hình và những mối đe dọa mới", nhưng cho rằng Đài Loan không tìm cách đối đầu với đại lục bằng một cuộc chạy đua vũ trang.
Phát biểu được quan chức Đài Loan đưa ra sau khi Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận các thương vụ bán cho Đài Loan 135 tên lửa hành trình AGM-84H SLAM-ER, 11 hệ thống pháo phản lực HIMARS, 6 tổ hợp cảm biến MS-110 Recce cho tiêm kích, kèm theo hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo vận hành với tổng trị giá 1,8 tỷ USD.
Quốc hội Mỹ sẽ có 30 ngày kể từ khi nhận thông báo từ Bộ Ngoại giao để quyết định có chặn thương vụ hay không. Nếu không gặp sự phản đối từ quốc hội, hợp đồng sẽ được trình lên Tổng thống Donald Trump ký phê duyệt.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thương vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã xâm phạm vấn đề nội bộ của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - trung, kêu gọi Washington ngừng chuyển giao khí tài quân sự cho Đài Bắc và cảnh báo sẽ "phản ứng phù hợp" tùy theo diễn biến tình hình.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực. Dù công nhận chính sách "một Trung Quốc", Mỹ vẫn duy trì quan hệ với Đài Loan và đang cung cấp cho hòn đảo nhiều khí tài hiện đại trong bối cảnh căng thẳng hai bờ eo biển gia tăng.
Bắc Kinh gần đây tăng cường đáng kể hoạt động quân sự gần đảo Đài Loan trong lúc quan hệ Mỹ - Trung giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Hai ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay là Donald Trump và Joe Biden đều tìm cách tỏ ra cứng rắn trong cách tiếp cận với Bắc Kinh.
Washington có trách nhiệm cung cấp cho Đài Bắc các phương tiện quân sự để tự vệ, nhưng hiện chưa rõ nước này có trực tiếp can thiệp quân sự trong trường hợp Đài Loan bị tấn công hay không.
Chính quyền Trump đã phê duyệt hàng loạt hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan gần đây, nổi bật là 66 tiêm kích F-16V và 102 xe tăng M1A2 Abrams trị giá nhiều tỷ USD. Washington cũng thúc đẩy Đài Loan hiện đại hóa lực lượng phòng vệ nhằm thực thi chiến lược biến hòn đảo thành một "con nhím" khó bị tấn công.
Vũ Anh (Theo Reuters)