Những ưu đãi này thuộc Chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế (INTENSE) cho sinh viên Việt Nam, Indonesia và Philippines, được Cơ quan Giáo dục Đài Loan công bố giữa tháng 3.
Ông Hàn Quốc Diệu, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP HCM, cho biết đây là chương trình hợp tác giữa Cơ quan Giáo dục Đài Loan với doanh nghiệp và các đại học nhằm tập trung đào tạo nhân lực các ngành khoa học kỹ thuật, chip, bán dẫn.
Theo đó, các đại học sẽ căn cứ vào yêu cầu, đơn đặt hàng của doanh nghiệp để đào tạo. Sinh viên quốc tế được tài trợ vé máy bay, học phí và sinh hoạt phí 10.000 Đài tệ mỗi tháng (7,7 triệu đồng). Sau khi tốt nghiệp, họ phải làm việc tại doanh nghiệp đã đặt hàng, ít nhất trong hai năm. Hết thời hạn này, sinh viên có thể ở lại Đài Loan hoặc trở về.
Điều kiện để du học sinh duy trì học bổng là phải trong nhóm 70% có thành tích tốt nhất của lớp học, kể từ năm thứ hai.
Ông Trần Hòa Hiền, Tham tán giáo dục, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP HCM, cho biết Cơ quan Giáo dục Đài Loan đã phê duyệt hơn 100 lớp đặc biệt này. Dự kiến có 35 trường tham gia đào tạo, trong đó nhiều trường nổi tiếng như Đại học Quốc lập Đài Loan, Giao thông Dương Minh, Trung Chính.
Học sinh đã tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp, sinh viên chương trình liên kết 2+2 giữa các đại học của Việt Nam và Đài Loan, hoặc ứng viên thạc sĩ, tiến sĩ đều có thể tham gia. Sau khi tốt nghiệp, họ được cấp bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ tương ứng với chương trình đào tạo.
Năm đầu tiên, chương trình dự kiến tuyển 2.000-2.500 sinh viên Việt Nam, có thể nhập học vào tháng 2 hoặc tháng 9. Đại diện các trường đại học Đài Loan sẽ sang Việt Nam phỏng vấn và chọn ứng viên. Ngày 28/3, khoảng 12 trường có mặt tại trường THPT Nhân Văn, quận Tân Phú, TP HCM, để tư vấn chương trình này.
Ngoài ra, một số trường sẽ lập văn phòng tại Việt Nam, hỗ trợ sinh viên học tiếng Hoa (học online hoặc tập trung) và các khóa học trải nghiệm ngắn hạn miễn phí.
Ông Hàn Quốc Diệu đánh giá chương trình đào tạo này có lợi cho cả Đài Loan và Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn và khoa học kỹ thuật. Việt Nam cần nhân lực để thúc đẩy ngành công nghiệp này, trong khi các công ty của Đài Loan hiện sản xuất 65% chip và 92% chip xử lý tiên tiến, dẫn đầu thế giới.
Đài Loan cũng đang vật lộn với tình trạng dân số già và tỷ lệ sinh giảm. Các trường đại học tuyển sinh giảm 20% so với 10 năm trước, doanh nghiệp thiếu nhân lực. Năm ngoái, Đài Loan công bố kế hoạch chi 162,5 triệu USD trong 5 năm để tăng số sinh viên quốc tế trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), tập trung vào Việt Nam, Philipines và Indonesia.
Thống kê của Đài Loan cho thấy kỹ sư bán dẫn có bằng cử nhân nhận lương khởi điểm khoảng 38.000-42.000 Đài tệ (25-33 triệu đồng). Cùng vị trí này nhưng có bằng thạc sĩ, người lao động có thể nhận 33-37 triệu đồng, hoặc 46-55 triệu đồng nếu có bằng tiến sĩ. Mức này chưa bao gồm lương chức vụ và thưởng hiệu suất làm việc.
Theo số liệu của ICEF Monitor hồi tháng 6/2023, Việt Nam là thị trường du học sinh số 1 của Đài Loan. Hơn 20.000 người Việt theo học tại đây, chiếm gần một phần tư tổng số du học sinh.
Lệ Nguyễn