Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm nay tới thăm và động viên binh sĩ tại căn cứ Cương Sơn, cơ sở bảo dưỡng thiết yếu của lực lượng phòng vệ trên không của hòn đảo. Tiêm kích của lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan trong những tháng qua phải liên tục xuất kích để chặn máy bay của quân đội Trung Quốc (PLA) áp sát hòn đảo.
PLA triển khai nhiều đợt diễn tập quanh đảo Đài Loan trong tháng 9. Đợt áp sát với lượng máy bay PLA lớn nhất diễn ra ngày 18-19/9, khi 37 máy bay gồm oanh tạc cơ và tiêm kích hộ tống diễn tập trên eo biển Đài Loan, phần lớn băng qua "đường trung tuyến" chạy qua chính giữa eo biển. Bắc Kinh sau đó tuyên bố "không tồn tại cái gọi là đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan".
Dù các tiêm kích, oanh tạc cơ của PLA không bay qua đảo Đài Loan, các hành động áp sát này gây áp lực ngày càng lớn cả về tài chính và hậu cần đối với lực lượng phòng vệ trên không của hòn đảo, khi họ phải đảm bảo phi cơ luôn sẵn sàng xuất kích mọi lúc.
Trong chuyến thăm căn cứ phòng vệ trên không Cương Sơn, phía nam thành phố Cao Hùng, lãnh đạo Thái Anh Văn nhận được báo cáo chi tiết về hoạt động bảo trì chiến đấu cơ F-16 và các loại tiêm kích khác. Số máy bay quân sự này đang phải hoạt động ở tần suất cao nhất trong những tháng qua.
Bà Thái tỏ ra ngạc nhiên khi biết một bộ phận nhỏ của tiêm kích hạng nhẹ F-CK-1, do Đài Loan tự phát triển và chế tạo, có giá lên giới 13.000 USD. Khi nói chuyện với các binh sĩ tại căn cứ phòng vệ trên biển Tả Doanh gần đó, lãnh đạo Thái Anh Văn hứa sẽ là người ủng hộ mạnh mẽ nhất với lực lượng phòng vệ Đài Loan.
Lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan thua kém về nhân lực, khí tài so với không quân PLA, khiến họ phải căng mình đối phó với các chuyến áp sát ngày càng tăng.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết mức độ đe dọa "gia tăng đáng kể" trong tháng 9, trong khi các máy bay của hòn đảo đã hoạt động trong nhiều năm, khiến chi phí bảo trì, bảo dưỡng tăng lên đáng kể, vượt mức dự trù từ trước. Các kỹ thuật viên ở căn cứ Cương Sơn cũng phải làm nhiều việc hơn kể từ đầu tháng 9.
Đài Loan đang đổi mới phi đội tiêm kích của mình. Mỹ hồi năm 2019 đồng ý bán lô tiêm kích F-16V trị giá 8 tỷ USD cho hòn đảo, giúp nâng tổng số tiêm kích F-16 của Đài Loan lên 200 chiếc, nhiều nhất ở châu Á.
Lãnh đạo nhánh hành pháp của Đài Loan Tôn Trinh Xương ngày 23/9 tỏ ra lo ngại về cái giá phải trả khi căng thẳng với Trung Quốc đại lục leo thang. "Mỗi lần máy bay của PLA áp sát đảo Đài Loan, lực lượng phòng vệ trên không của chúng tôi phải cất cánh và điều này cực kỳ tốn kém. Đây là gánh nặng không chỉ riêng cho Đài Bắc mà còn đặt lên vai Bắc Kinh", ông Tôn nói.
Các quan chức an ninh của đảo Đài Loan nhận định Trung Quốc đại lục dường như đang triển khai "chiến dịch tiêu hao" nhằm vào hòn đảo khi thường xuyên điều máy bay áp sát. "Trung Quốc đại lục đang cố gắng bào mòn thể lực và tinh thần các phi công của phòng vệ Đài Loan bằng cách khiến họ liên tục xuất kích", một quan chức ngoại giao nước ngoài ở đảo Đài Loan cho biết.
Trong báo cáo trước cơ quan lập pháp hồi tháng 8, cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết các chuyến bay của PLA băng qua eo biển nhằm "giảm thời gian phản ứng" của hòn đảo, gây "áp lực rất lớn" lên nhân sự phụ trách phản ứng tại tiền tuyến.
"Các chuyến bay của PLA đến phía tây nam đảo Đài Loan, diễn ra cả ban đêm, là nỗ lực khiến hệ thống phòng không của chúng tôi mệt mỏi", báo cáo của cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết. "Nếu những chuyến bay này trở nên thường xuyên, chúng sẽ tăng gánh nặng đối với việc phản ứng của chúng tôi".
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh gần đây gia tăng áp lực quân sự với hòn đảo khi nhiều lần tổ chức diễn tập quy mô lớn quanh đảo Đài Loan với các khí tài hiện đại nhất trong biên chế.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan ngày 21/9 thông báo thay đổi quy tắc giao chiến, cho phép binh sĩ "tấn công trước" để tự vệ, nhưng yêu cầu họ tuân thủ nghiêm ngặt quy định không làm leo thang căng thẳng với Bắc Kinh.
Truyền thông Đài Loan cho rằng việc điều chỉnh quy tắc giao chiến này cho phép lực lượng phòng vệ Đài Loan trên tiền tuyến được khai hỏa nếu họ xác định rằng đối phương có ý định tấn công, nhưng họ sẽ phải nhận được sự phê chuẩn từ cấp trên.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)