Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín vừa phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục Đại lộ Đông Tây, con đường được cho là đẹp và hiện đại nhất TP HCM. Khu vực nghiên cứu kéo dài từ ngã 3 Cát Lái (quận 2) đến điểm giao cắt quốc lộ 1A với cao tốc TP HCM - Trung Lương, qua khu vực các quận 1, 2, 4, 5 , 6 , 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh với chiều dài hơn 24 km và diện tích hơn 1.500 ha.
Nội dung chính của quyết định nhằm xây dựng không gian đô thị dọc trục đường theo hướng phát triển đô thị hiện đại, phát triển các cụm công trình nhà ở kết hợp chức năng thương mại, dịch vụ, phát huy tốt lợi thế về giao thông, cải tạo không gian và cảnh quan môi trường đô thị.
Đại lộ Đông Tây dài hơn 24 km được đánh giá là "con đường di sản" chạy suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn TP HCM. Ảnh: Hữu Công. |
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, con đường này đi qua 4 khu vực đô thị với những đặc thù riêng biệt. Đầu tiên là đô thị mới Thủ Thiêm nằm ở phía quận 2, kế đến là trung tâm hành chính văn phòng lâu đời nằm ở quận 1. Tiếp theo là trung tâm buôn bán, kinh doanh mang sắc thái người Hoa ở quận 5 và cuối cùng là vùng cảnh quan sông nước mang đậm dấu ấn "trên bến dưới thuyền" một thời nhộn nhịp kinh doanh sầm uất ở quận 6 và quận 8.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có những kiến trúc hiện đại. Khu quận 1 sẽ lưu giữ lại một số kiến trúc Pháp tiêu biểu cho một Sài Gòn xưa. Một số kiến trúc hiện đại ở đây sẽ được nghiên cứu cho hài hoà với không gian chung. Khu vực quận 5 và cả quận 6, 8 là các hoạt động thương mại nhộn nhịp gắn với kênh Tàu Hũ - Bến Nghé (con kênh chạy suốt trục đường) của cả người Việt lẫn người Hoa. Dự kiến ở đây sẽ hình thành một khu chợ nổi để vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán hiện tại, vừa tái hiện không gian của những ngày đầu hình thành đô thị Sài Gòn.
Trao đổi với VnExpress.net, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM), tác giả đồ án nghiên cứu thiết kế đô thị Đại lộ Đông Tây cho biết dự án Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ là dự án điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của TP HCM, kết nối trục giao thông chính, hành lang Đông - Tây của thành phố.
Khu nhà cổ bột giặt Net đang bị xuống cấp được đề xuất bảo tồn. Ảnh: Hữu Công. |
Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và hành lang đô thị dọc theo trục đường này, với chức năng quan trọng về giao thông và những giá trị văn hóa, xã hội, kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên đặc thù cần được bảo tồn và phát huy giá trị như trụ sở ngân hàng, Sở Giao dịch chứng khoán, khu nhà cổ bột giặt Net và các đình, chùa, miếu.... Tuy nhiên, không gian kiến trúc cảnh quan hiện nay chưa tương xứng với vai trò của trục đường.
"Nhu cầu phát triển đô thị tại các khu đất dọc trục đại lộ là rất lớn trong khi nhiều quỹ đất dọc trục đường (như các khu vực nhà xưởng, nhà kho sau khi di dời sản xuất ra ngoại thành) chưa được nghiên cứu một cách toàn diện và đồng bộ nhằm phát huy tối đa hiệu quả quỹ đất", ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, nhu cầu xây dựng mới, chỉnh trang nhà ở của nhân dân tại các khu dân cư dọc trục đường chưa có sự hướng dẫn quy định cụ thể của cơ quan quản lý. Công trình, cụm công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc chưa được nghiên cứu cụ thể bảo vệ giá trị. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, môi trường tự nhiên trên trục đường chưa có quy hoạch hoàn chỉnh. Các vấn đề tồn tại này đặt ra sự cần thiết nghiên cứu lập thiết kế đô thị trục Đại lộ Võ Văn Kiệt là cơ sở để UBND các cấp tổ chức lập Quy chế quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan tại từng khu vực riêng của trục đường trong ranh giới hành chính do mình quản lý.
Kênh tàu hủ chạy qua địa bàn các quận 5, 6 và 8, dự kiến ở đây sẽ hình thành một khu chợ nổi để vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán hiện tại, vừa tái hiện không gian của những ngày đầu hình thành đô thị Sài Gòn. Ảnh: Hữu Công. |
Theo nhiệm vụ thiết kế đô thị được UBND thành phố phê duyệt, Đại lộ Đông Tây được xác định là trục đường cửa ngõ của thành phố, yêu cầu là trục đường đẹp, văn minh, hiện đại, khai thác tối đa các yếu tố cảnh quan sông nước...
Đồ án cũng đề xuất tăng cường giao thông công cộng dọc tuyến đường, bao gồm các tuyến đường thủy bộ, (có phục vụ du lịch trên sông), tuyến giao thông vận chuyển hành khách công cộng tốc độ nhanh, số lượng người lớn (tuyến tramway, tàu điện ngầm, hoặc xe buýt nhanh) và các tuyến đi bộ. Nghiên cứu đầu tư hệ thống xe buýt tốc độ cao dọc theo trục đường, với cự ly bến dừng, bãi đậu xe hợp lý - có kết hợp với các trung tâm thương mại dịch vụ, công trình công cộng và nhà ở cao tầng.
Hiện Sở Quy hoạch Kiến trúc đang gấp rút chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc triển khai hoàn tất nội dung đồ án, bao gồm bước làm việc, lấy ý kiến với các Sở Ban ngành và các quận, huyện trên địa bàn liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ và soạn thảo quy định quản lý.
Ngoài Đại lộ Đông Tây, UBND TP HCM cũng đã chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu thiết kế đô thị 2 tuyến đường quan trọng khác là xa lộ Hà Nội và Tân Sơn Nhất - Bình Lợi. Theo Sở này, xa lộ Hà Nội là cửa ngõ nhộn nhịp vào bậc nhất của TP HCM vấn đề chính ở đây là tìm kiếm ý tưởng thiết kế đô thị có thể làm giảm đi tác động xấu của cường độ giao thông lớn lên cuộc sống của người dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận tiện với giao thông nhưng vẫn an toàn, tiện lợi.
Còn đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, đây là trục giao thông quan trọng nối sân bay Tân Sơn Nhất đi ra cửa ngõ phía Đông Bắc của TP HCM. Tuyến đường đi qua nhiều khu vực dân cư chật chội, cũ kỹ, xuống cấp của thành phố thuộc các quận Gò Vấp, Bình Thạnh... nên nhiệm vụ chính của thiết kế đô thị dọc tuyến đường chính là chỉnh trang đô thị, cải tạo đô thị cũ, xây dựng đô thị hiện đại hơn.
Hữu Công