TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, trong tuần tới sẽ báo cáo UBND TP HCM dự án "Ý tưởng thiết kế đô thị bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn".
Sơ đồ khu phố cổ Chợ Lớn. |
Theo dự án, khu phố cổ Chợ Lớn rộng 68 ha bao gồm các phường 10, 11, 13, 14 (quận 5) và phường 1, 2 (quận 6), được giới hạn bởi các tuyến đường Tản Đà - Nguyễn Trãi - Phù Đổng Thiên Vương - Hồng Bàng - Lương Nhữ Học - Nguyễn Trãi - Phú Hữu - Tháp Mười - Lê Tấn Kế - Phan Văn Khỏe -Phạm Đình Hổ - Bãi Sậy - đại lộ Võ Văn Kiệt.
Ba khu vực làm điểm nhấn cho toàn bộ không gian khu phố cổ Chợ Lớn là chợ Bình Tây (khu vực 1); khu vực gồm nhiều đình, chùa bao quanh tuyến đường Triệu Quang Phục (khu vực 2) và khu vừa bảo tồn vừa phát triển, cho phép xây nhà cao tầng xung quanh đại lộ Võ Văn Kiệt (khu vực 3).
Theo ông Tuấn, sở dĩ phải bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn vì hiện nay tại khu vực này thiếu chỗ để xe, mở rộng đường quá sát công trình cổ, người dân cơi nới thêm chiều cao nhà, đặt biển quảng cáo quá lớn che khuất các công trình cổ, nhiều công trình xây mới phá vỡ tầng cao dãy nhà cổ... Ngoài ra, đây là khu vực có tiềm năng lớn về du lịch vì có nhiều đình, chùa, lễ hội...
Vị phó giám đốc nêu, khi dự án hoàn thành, người dân sống trong khu phố cổ Chợ Lớn sẽ được hưởng nhiều quyền lợi. Cụ thể, việc kinh doanh sẽ phát đạt hơn khi có nhiều du khách nước ngoài đến tham quan. Nhiều nhà dân sẽ có lợi từ việc cho thuê phòng nghỉ, giá trị nhà đất tại khu bảo tồn sẽ tăng lên.
Ngoài những cái lợi về kinh tế, người dân còn được hưởng lợi về môi trường sống như mặt tiền của các phố sẽ khang trang, ánh sáng đầy đủ, an ninh hơn... "Cái được lớn nhất là người dân sẽ được quan tâm một cách chuyên nghiệp của các nhà bảo tồn. Họ sẽ xác định cho người dân biết cái gì là cái có giá trị", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, người dân sống trong khu phố cổ Chợ Lớn sẽ phải cam kết không được xây nhà xây cao hoặc cơi nới hơn so với hiện tại. Trường hợp xây mới cũng phải theo kiến trúc hài hòa, đồng bộ với cả khu phố cổ. "Trong vòng bán kính 50 m quanh các di sản quan trọng như đình, chùa... người dân sẽ không được xây quá 5-6 tầng, không được đặt các biển quảng cáo che khuất công trình và không được sửa nhà bằng những vật liệu không phù hợp...", ông Tuấn nói.
Đường Trịnh Hoài Đức (phường 13, quận 5) bên cạnh những ngôi nhà vừa mới được cải tạo là những ngôi nhà cổ. Ảnh: Tá Lâm. |
Cũng theo ông Tuấn, đề án này đã tính đến bài toán giao thông. Khi bắt đầu xây dựng ý tưởng, tổ tư vấn đã xin ý kiến phản biện của các cơ quan chức năng như Sở Giao thông Vận tải TP HCM. "Như ở khu 3 khi hoàn thành thì tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông sẽ được thu hẹp lại, tạo một khuôn viên hành lang xanh ở giữa và xây dựng một bãi xe ngầm phía dưới con đường này", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh, đây mới là ý tưởng nên chưa tính toán kinh phí thực hiện và cũng chưa tính đến phương án giãn dân khi các thế hệ gia đình cùng chen chúc trong ngôi nhà không được mở rộng thêm như tình trạng người dân sống tại phố cổ Hà Nội đang gặp phải.
"Sự phân hóa trong gia đình và cấu trúc xã hội sẽ thay đổi trong tương lai. Xu hướng tách hộ và trẻ lập gia đình xong không muốn ở chung với bố mẹ gia tăng trong tương lai sẽ làm giảm bớt áp lực về dân số. Do đó, tôi vẫn bảo vệ quan điểm giá trị của phố cổ không nhất thiết phải đưa vấn đề tăng thêm áp lực về dân số vào", ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Tuấn, người nghĩ ra ý tưởng bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn là ông Phạm Doãn Thuật, nguyên giám đốc trung tâm nghiên cứu kiến trúc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM. Sau 4-5 năm theo đuổi, đề án này cuối cũng cũng được hoàn thành. Đơn vị tư vấn là Công ty DCU (Tây Ban Nha).
Chi tiết 3 khu vực làm điểm nhấn cho toàn bộ không gian khu phố cổ Chợ Lớn: Khu vực 1 rộng 4,2 ha được giới hạn bởi các tuyến đường Tháp Mười - Lê Tấn Kế - kênh Hàng Bàng - Bãi Sậy - kênh Hàng Bàng -Trần Bình. Tại đây, dự án sẽ tăng diện tích không gian công cộng chợ Bình Tây, nâng cấp quảng trường phía trước chợ, mặt đường cho người đi bộ, tổ chức bãi đậu xe và phân bố hợp lý các tuyến giao thông. Đối với kênh Hàng Bàng sẽ được khôi phục lại bằng cách nạo vét, cải tạo để thành một điểm du lịch hấp dẫn. Đối với khu vực 2 rộng khoảng 4,6 ha được giới hạn bởi các tuyến đường Phù Đổng Thiên Vương - Nguyễn Trãi - Lương Nhữ Học - Trần Hưng Đạo. Đây là nơi có nhiều đình, chùa, hội quán mang nét đặc trưng của người Hoa như chùa Tam Sơn, đình Minh Hương, hội quán Phú Nghĩa... và nhiều lễ hội mang tính đặc trưng riêng như Tết Trung Thu, Nguyên Tiêu, lễ chùa Thiên Hậu, Quan Âm... Do đó, dự án sẽ nhấn mạnh đến giữ gìn và củng cố các di sản văn hóa, phát triển du lịch. Một số tuyến phố sẽ trở thành phố đi bộ gồm đường Nguyễn Án và Phú Định. Trong khu vực này, đường Triệu Quang Phục sẽ trở thành xương sống, hai bên hành lang xây dựng phố đi bộ, phía giữa đường hạn chế giao thông, có điểm đỗ xe hai bên. Đối với khu vực 3 rộng khoảng 5,2 ha được giới hạn bởi các tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông - Vạn Kiếp - đại lộ Võ Văn Kiệt. Với mục tiêu tạo môi trường phát triển mới, tạo vùng đệm giữa dải phát triển và khu vực di sản bảo tồn, phía mặt tiền đường Võ Văn Kiệt sẽ được phép xây nhà cao tầng, còn phía trong từ đường Trần Văn Kiều trở vào sẽ trở thành khu cách ly có kiểm soát chiều cao. |
Tá Lâm