Đại học Y Hà Nội ngày 8/6 công bố đề án tuyển sinh, cho biết năm nay mở thêm ba ngành, gồm: Tâm lý học, Hộ sinh và Kỹ thuật phục hình răng. Do đó, số sinh viên tuyển mới là 1.720, tăng 350 so với năm ngoái.
Bốn phương thức tuyển sinh là: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, kết hợp điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA). Đây là lần đầu tiên trường Y Hà Nội công nhận kết quả từ một kỳ thi riêng.
Với phương thức xét kết hợp điểm thi và chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, trường chỉ áp dụng với ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng (chương trình tiên tiến).
Trong đó, yêu cầu với ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt là IELTS 6.5, TOEFL iBT 79-93 điểm, TOEFL ITP 561-589 điểm. Nếu dùng tiếng Pháp, điểm chứng chỉ là DELF B2 hoặc TCF 400 điểm. Riêng ngành Điều dưỡng, thí sinh cần đạt IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương.
Thí sinh có các chứng chỉ này được giảm tối đa 3 điểm so với mức xét theo kết quả thi tốt nghiệp.
Với điểm thi đánh giá năng lực, Đại học Y Hà Nội chỉ áp dụng cho ngành Hộ sinh và 3 ngành tại phân hiệu Thanh Hóa là Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Điểm sàn nhận hồ sơ theo phương thức này là 75/150.
Ngoài ra, từ chỗ chỉ tuyển sinh tuyển bằng tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) trong hàng chục năm qua, năm nay Đại học Y Hà Nội dùng cả tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) và C00 (Văn, Sử, Địa).
Trong đó, tổ hợp D01 áp dụng với ngành Y tế công cộng và Tâm lý học; C00 ngành Tâm lý học.
Chỉ tiêu, tổ hợp, phương thức xét tuyển
Năm 2024, học phí Đại học Y Hà Nội từ 15 đến 55,2 triệu đồng, tương tự năm ngoái, do trường đã tự chủ.
Năm 2023, điểm chuẩn Đại học Y Hà Nội xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 19 đến 27,73. Trong đó, ngành Y khoa cao nhất, thấp nhất là ngành Điều dưỡng ở phân hiệu Thanh Hóa.