Theo Đề án tuyển sinh 2024 được trường Đại học Thương mại (TMU) công bố ngày 1/3, trường tuyển 4.950 sinh viên cho 38 chương trình đào tạo.
Trong đó, 8 chương trình thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế, gồm Quản trị kinh doanh, Marketing thương mại, Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế, Logistics và xuất nhập khẩu, Thương mại quốc tế, Tài chính - Ngân hàng thương mại, Quản trị nhân lực doanh nghiệp, Quản trị khách sạn. Những chương trình này được xây dựng dựa trên chương trình chuẩn, chất lượng cao của trường.
Ngoài ra, trường mở thêm hai chương trình chuẩn là Công nghệ tài chính ngân hàng và Kinh doanh số, nâng tổng chỉ tiêu tăng 100 so với năm ngoái.
Trường Đại học Thương mại giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh, gồm xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024; xét học bạ ba năm (chỉ áp dụng với học sinh trường chuyên); xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy; xét tuyển kết hợp.
Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp chia thí sinh thành ba nhóm.
Nhóm thứ nhất và hai kết hợp chứng chỉ quốc tế với điểm thi tốt nghiệp hoặc học bạ. Các chứng chỉ được chấp nhận gồm IELTS 5.5, TOEFL iBT 50, HSK4, TCF 400, DELF B2; SAT 1000, ACT 20 trở lên. Điểm chứng chỉ sẽ được quy đổi, kết hợp với điểm môn Toán và một trong các môn Ngữ văn, Vật lý, Hóa học để xét tuyển.
Bảng quy đổi chứng chỉ của Đại học Thương mại như sau:
Nhóm thứ ba kết hợp giải học sinh giỏi (giải ba cấp tỉnh trở lên) cùng điểm thi tốt nghiệp. Điểm xét tuyển là tổng ba môn thi cùng điểm thưởng (1-5 điểm), tùy theo cấp độ giải, được quy đổi về thang 30.
Thí sinh đạt giải môn nào được xét tuyển vào nhóm chương trình tương ứng:
Điểm sàn dự kiến của phương thức xét học bạ là 25, xét học bạ kết hợp chứng chỉ quốc tế là 21; còn lại 20 điểm.
Trừ phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp thực hiện theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển các phương thức còn lại từ 1/5 đến 10/6.
Học phí năm học 2024-2025 của trường Đại học Thương mai dao động 24-26 triệu đồng với chương trình chuẩn, định hướng nghề nghiệp, 35 triệu đồng với chương trình định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế.
Năm ngoái, điểm chuẩn Đại học Thương mại dao động 24,5-27. Ba ngành Marketing thương mại, Kinh doanh quốc tế và Marketing số cùng lấy mức cao nhất. Tiếp đó là điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ Trung Quốc - 26,9, Quản trị thương hiệu 26,8 và Kinh tế quốc tế 26,7.
Những ngành lấy điểm chuẩn 24,5 là Quản trị kinh doanh (Tiếng Pháp thương mại), Quản trị khách sạn.
Thanh Hằng