TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM, hôm nay cho biết thí sinh có thể đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1 từ ngày 1 đến 26/2/2023, đợt 2 từ ngày 5 đến 28/4/2023.
Ngoài 17 điểm thi như năm 2022, Đại học Quốc gia TP HCM có thể mở thêm điểm thi tại Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Thừa Thiên - Huế. Năm 2023, Đại học Quốc gia TP HCM dự kiến dành ít nhất 45% tổng chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi đánh giá năng lực, tăng so với mức 40% của năm 2022. Trong đó, riêng trường Đại học Bách khoa xét kết hợp giữa điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp và điểm học tập THPT khoảng 70-90% chỉ tiêu.
Theo TS Chính, cấu trúc đề thi được giữ cơ bản ổn định như năm 2022, gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 150 phút, tính theo thang điểm 1.200, với ba phần thi: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề. Lĩnh vực của đề thi rộng khắp, từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tiếng Anh, ngôn ngữ.
Ngoài kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Công an cũng tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển và được nhiều đơn vị khác công nhận, dùng xét đầu vào.
Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 8 đợt thi, từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô khoảng 100.000 lượt thi tại 8 tỉnh, thành. Hai đại học quốc gia cho biết sẽ xây dựng thang điểm quy đổi hai bài thi đánh giá năng lực để sử dụng kết quả của nhau. Trong khi đó, kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023 có nhiều thay đổi về cấu trúc đề, dự kiến vào tháng 5, 6 và 7, tăng hai đợt so với các năm trước.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả các phương thức.
Lam Thanh