Đại học Quốc gia Hà Nội đã hoàn thành dự thảo đề án thi đánh giá năng lực học sinh THPT. Đề án được xây dựng trên cơ sở thực tiễn về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và đổi mới giáo dục đại học.
Cũng như kỳ thi đánh giá năng lực của các năm 2015, 2016 Đại học Quốc gia Hà Nội từng tổ chức, thí sinh tham gia kỳ thi năm 2021 sẽ hoàn thành bài thi trong một buổi, kết quả được thông báo ngay sau khi hoàn thành bài thi. Giấy chứng nhận kết quả được gửi cho thí sinh sau ba tuần kể từ ngày dự thi.
Năm 2021, dự kiến kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức tại Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội với quy mô khoảng 10.000 thí sinh, thi 4-5 đợt từ tháng 5 đến tháng 10, mỗi đợt 1.000-2.000 thí sinh. Quy mô cũng có thể được mở rộng thông qua khai thác nguồn lực, cơ sở vật chất của các đơn vị thành viên, trực thuộc hoặc đối tác.
Ngoài tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và xét tuyển dựa vào kết quả bài thi này, năm 2021, về cơ bản, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn giữ vững tổng quy mô đào tạo, chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh. Theo đó, trường tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Trường cũng vẫn sử dụng một số phương thức khác như xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội, xét tuyển dựa vào kết quả thi chuẩn hóa quốc tế SAT, ACT, A-Level, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS và tương đương.
Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục mở rộng, điều chỉnh đối tượng xét tuyển thẳng đối với học sinh đạt kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thí sinh thuộc các trường THPT chuyên ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội có kết quả học tập loại giỏi và thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành.
Trước đó, tại hội thảo giáo dục đại học năm 2020, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết phương thức xét tuyển đại học sẽ giữ ổn định tới năm 2025. Trong đó, các trường vẫn tuyển sinh chủ yếu dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm qua, với những cải tiến chủ yếu về mặt kỹ thuật như ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận tiện hơn cho thí sinh và nhà trường.
Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh các trường cần tăng cường tự chủ trong tuyển sinh. Với những đại học muốn tuyển chọn thí sinh có năng lực chuyên biệt, Bộ khuyến khích có thể thống nhất kết hợp thành nhóm, tổ chức bài thi đánh giá năng lực gọn nhẹ, kết quả được sử dụng cho công tác tuyển sinh của nhiều trường.