Trường Đại học Nội vụ Hà Nội dự kiến tuyển 2.000 sinh viên cho 22 ngành và chuyên ngành đào tạo ở ba cơ sở Hà Nội, Quảng Nam, TP HCM, tăng 100 so với năm ngoái. Trong đó, trụ sở chính Hà Nội tuyển 1.680 sinh viên, mỗi cơ sở còn lại tuyển 160.
Về phương thức xét tuyển, ngoài xét học bạ lớp 12, căn cứ điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng như các năm trước, trường lần đầu sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của hai Đại học Quốc gia, xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Với xét học bạ, thí sinh phải đạt tổng điểm ba môn theo tổ hợp từ 18 trở lên (áp dụng tại cơ sở Hà Nội, TP HCM) và từ 16.5 (Quảng Nam). Điểm trúng tuyển tại các tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), C19 (Văn, Sử, Giáo dục công dân), C20 (Văn, Địa, Giáo dục công dân) sẽ cao hơn 1-3 điểm so với các tổ hợp còn lại.
Nếu sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, thí sinh cần đạt tối thiểu 550 điểm trở lên (áp dụng với kỳ thi riêng do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức) hoặc 70 điểm (Đại học Quốc gia Hà Nội). Điều kiện này áp dụng cho cả ba cơ sở của Đại học Nội vụ Hà Nội.
Với xét tuyển theo chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, thí sinh được yêu cầu đảm bảo hai tiêu chí: đạt IELTS 4.5 trở lên hoặc chứng chỉ TOEFL iBT, TOEFL ITP tương đương, điểm trung bình lớp 12 không dưới 6.5.

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Ảnh: Fanpage nhà trường
Điểm chuẩn 2021 của Đại học Nội vụ Hà Nội có sự chênh lệch lớn giữa ba cơ sở, dao động 15-28 điểm. Trụ sở chính Hà Nội luôn cao nhất. Ngành Quản trị nhân lực, xét tuyển bằng tổ hợp C00, lấy điểm chuẩn lên tới 28, tăng 5,5 với năm 2020. Mức trúng tuyển bằng các tổ hợp còn lại vào ngành này là 24. Ngành có đầu vào cao thứ hai là Quản trị văn phòng, 23,75 đến 26,75 tùy tổ hợp.
Tuy nhiên, tại phân hiệu Đại học Nội vụ ở Quảng Nam, hai ngành này chỉ lấy 15-16 điểm. Đây cũng là mức điểm chuẩn cho hầu hết ngành tại hai cơ sở này.