"Học xong đại học và đi làm gần 20 năm nhưng tôi vẫn thua xa những cậu em họ chỉ học hết cấp III và chịu khó làm ăn từ sớm. Giờ mới ngoài 30 mà đã có nhà, xe, tiền bạc dư dả.
Thế mới thấy trước tiên cần xác định "Học đại học để làm gì" rồi có quyết định theo đuổi hay không. Nếu gia đình, họ hàng, điều kiện sống xung quanh có những cơ hội làm ăn mà không cần trình độ đại học thì nên đi làm trước rồi học sau".
Độc giả Quang Tan chia sẻ góc nhìn xung quanh chuyện học đại học sau bài viết Học phí đại học tăng - rào cản hay bộ lọc?. Tác giả bài viết cho rằng trong những năm học phí còn rẻ, nhiều gia đình chấp nhận cho con đi học đại học ở những trường top dưới, khiến tình trạng thừa thầy thiếu thợ xảy ra.
Độc giả nickname Edison Castle nêu quan điểm: "Tăng học phí là xu thế tất yếu, học vấn cũng là cách đầu tư tương lai, mà đã là đầu tư thì ngoài năng lực cá nhân cần phải có năng lực tài chính. Đừng than học phí tăng cao trong khi đòi hỏi chất lượng cao".
Độc giả nickname hongnhungpaticusi phân tích: "Thời thế bây giờ khác, mục tiêu đào tạo đại học cũng khác nên chúng ta phải thích ứng thôi . Ngày xưa cả nước chỉ có khoảng hơn 30 trường đại học, dân số cũng chỉ hơn 30 triệu người.
Phần lớn học xong đại học là để làm công chức, viên chức nên cũng không cần nhiều mà cần giỏi. Cho nên đất nước khi đó chiến tranh, nghèo khổ nhưng vẫn phải chuẩn bị nhân lực cho sau này nên việc nuôi ăn ở miễn phí mới có người học kể cả cho ra nước ngoài đào tạo cũng phải dựa vào học bổng của các nước anh em.
Tính từ năm 1975 thì đến nay đã là 48 năm, chúng ta phải có cái nhìn khác, tư duy khác không thể như xưa. Ở các nước giàu có như Mỹ, Hàn Nhật học phí đại học vẫn rất cao, không có tiền thì phải vay coi như một khoản đầu tư học xong kiếm tiền trả, đó là công bằng.
Trường đại học bây giờ được trang bị khang trang, thiết bị hiện đại chứ không phải nhà tranh vách đất như xưa nên việc đầu tư là không nhỏ .Mục tiêu đào tạo đại học hiện nay là đem lại cơ hội cho tất cả mọi người, ai muốn học thì học miễn là có điểm chuẩn đủ ngưỡng và đủ tiền đóng học phí.
Người học cũng không nhất thiết là làm công chức viên chức như xưa mà để nâng cao kiến thức cho công việc của mình để thành công hơn. Vậy nên cha mẹ bây giờ phần lớn là trẻ và có hiểu biết nếu muốn con học đại học thì phải chuẩn bị tài chính khi con còn nhỏ, nếu yếu thì chọn hướng khác bởi bằng đại học bây giờ cũng không chắc chắn là bạn có việc làm và thành công nhiều khi còn thua người không có bằng đại học mà họ làm giỏi".
Độc giả xoibap999 mở rộng: "Tùy điều kiện kinh tế mà chọn 'sản phẩm' phù hợp cho con cái. Cấp học thấp hơn dễ kiếm việc làm hơn và vẫn còn cơ hội học liên thông cho những bạn có tinh thần phấn đấu. Cái quan trọng là chất lượng dạy học để cái bằng liên thông ấy vẫn đảm bảo có giá trị ngang bằng bằng học chính quy.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.