Ngày 2/6, ông Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Nha Trang cho biết, lần đầu trường áp dụng phương thức xét tuyển thẳng đối với thí sinh của hơn 80 trường THPT chuyên, năng khiếu các trường đại học cả nước và top 50 trường THPT có điểm thi THPT quốc gia từ năm 2017 đến nay.
Đại học Nha Trang tuyển 3.500 chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (thang điểm 30), chiếm tối đa 40% tổng chỉ tiêu để xét tuyển các ngành.
Còn xét tuyển dựa vào điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2020 thì có thang điểm 10, chiếm 30% tổng chỉ tiêu xét tuyển các ngành, nhưng không tính điểm ưu tiên khu vực thi xét tuyển. Theo đó, sau khi có điểm thi THPT, các trường sẽ xét tốt nghiệp và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho thí sinh. Trên giấy này có điểm tốt nghiệp và thí sinh mang đến Đại học Nha Trang để đăng ký xét tuyển.
Trường cũng áp dụng xét tuyển dựa vào điểm thi, đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM năm 2020 (thang điểm 1200), chiếm 25% tổng chỉ tiêu và không tính điểm ưu tiên khu vực.
Tương tự, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo hình thức của trường và theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thang điểm 10, chiếm 5% tổng chỉ tiêu các ngành đào tạo.
Theo ông Phương, việc xét tuyển lần này giúp trường thu hút được những sinh viên có học lực khá, giỏi. Các em được tuyển thẳng cũng ghi nhận cố gắng trong học tập với thành tích tốt. "Tuy nhiên, lần đầu thực hiện xét tuyển theo phương thức này, trường cũng lo lắng vì có thể rơi vào trường hợp không tuyển đủ chỉ tiêu", ông Phương nói.
Đại học Nha Trang có 650 giảng viên với gần 15.000 sinh viên theo học của 36 nhóm chương trình đào tạo.
Xuân Ngọc