Ba ngày sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, trường Đại học Ngoại thương cũng thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của hai phương thức căn cứ kết quả thi.
Với phương thức sử dụng tổng điểm ba môn từ điểm thi tốt nghiệp (được gọi phương thức 4 theo đề án tuyển sinh), toàn bộ tổ hợp xét tuyển tại trụ sở chính Hà Nội, cơ sở II TP HCM lấy điểm sàn 23,5. Mức này đã "soán ngôi" 23 điểm năm ngoái, vốn được coi là mức sàn cao kỷ lục của Ngoại thương. Tại cơ sở Quảng Ninh, điểm sàn thấp hơn, được "chốt" mức 20.
Điểm sàn tại phương thức này là tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp THPT, đã gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Chỉ khi điểm xét tuyển của thí sinh tối thiểu bằng điểm sàn, các em mới đủ điều kiện nộp hồ sơ vào trường.
Tại phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và điểm thi tốt nghiệp THPT (phương thức 3), điểm sàn dao động 16-17 điểm tùy chương trình. Các chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại cao nhất, kế đó Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng (16,75).
Do chứng chỉ ngoại ngữ được quy đổi sang điểm môn ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển, điểm sàn của phương thức này là tổng điểm của hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển.
*Xem bảng quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ của Đại học Ngoại thương
Trước đó vào ngày 21/7, trường Đại học Ngoại thương công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm của ba phương thức, gồm xét học bạ (chỉ áp dụng với ba nhóm thí sinh: tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên); xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với học bạ hoặc SAT, ACT; xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực.
Các ngành tại trụ sở chính Hà Nội lấy điểm chuẩn cao nhất, đều từ 24 trở lên, trong đó phổ biến mức 26-28. Bảy chương trình (Hà Nội 5, TP HCM 2) lấy điểm chuẩn 30-30,5; đều áp dụng với thí sinh xét học bạ và có điểm thưởng giải học sinh giỏi. Ngưỡng trúng tuyển thấp nhất là 24 điểm, rải rác tại một số chương trình như Tiếng Nhật thương mại (trụ sở Hà Nội), Kinh doanh quốc tế, Kế toán - Kiểm toán (cơ sở Quảng Ninh).
Năm 2021, Đại học Ngoại thương lấy điểm chuẩn không dưới 28 với trụ sở chính Hà Nội và cơ sở TP HCM. Tại cơ sở Quảng Ninh, điểm chuẩn cho mọi ngành và tổ hợp là 24.
Xét thang điểm 40, Ngôn ngữ Trung cao nhất - 39,35, trung bình hơn 9,8 điểm một môn. Các ngành còn lại đều ở mức 36,75-37,55.
Thanh Hằng