Ngày 27/1, Đại học Ngoại thương công bố 25 chương trình nghiên cứu khoa học tập trung vào bốn định hướng, gồm: Kinh tế xanh và trách nhiệm xã hội; đổi mới thể chế kinh tế, xã hội hướng tới phát triển bền vững; đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức cho doanh nghiệp; tái cơ cấu và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Dự kiến, tổng kinh phí của 25 chương trình là 18 tỷ đồng, được dùng từ nguồn vốn của trường và kêu gọi xã hội hóa.
Đại học Ngoại thương chia thành hai nhóm nghiên cứu chính, trong đó 8 chương trình thuộc nhóm 1 được đầu tư trọng điểm, hướng tới công bố quốc tế có uy tín cao, thuộc danh mục ISI, xếp trong nhóm Q1 và có Impact Factor trên 1.0. Nhóm này dẫn dắt, hình thành các hướng nghiên cứu mũi nhọn của trường. Ngoài ra, 17 chương trình thuộc nhóm 2 hướng tới các công bố quốc tế uy tín, thuộc danh mục ISI hoặc Scopus từ nhóm Q3 trở lên, huy động và đào tạo đội ngũ giảng viên trẻ.
Hiện, các chương trình nghiên cứu huy động hơn 200 nhà khoa học trong và ngoài trường, đăng ký trên 130 sản phẩm, trong đó có hơn 90 công bố quốc tế uy tín cao.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương, khẳng định nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức là một trụ cột trong chiến lược phát triển trường. So với 23 nhóm nghiên cứu trong giai đoạn 2017-2019, ông Tuấn cho biết chương trình nghiên cứu trong ba năm tới có sự đầu tư dày dặn về mặt nhân lực, kinh phí và đặt mục tiêu cao hơn. Xuất phát từ gần 50 chương trình nghiên cứu được đăng ký, Đại học Ngoại thương đã chọn ra 25 chương trình đạt yêu cầu, có tính khả thi và ứng dụng cao.
"Chúng tôi mong muốn những chương trình sẽ gắn kết các nhà khoa học, thúc đẩy nghiên cứu mũi nhọn, liên ngành để giải quyết nhiều vấn đề, hướng tới gia tăng công bố khoa học, đồng thời chuyển giao tri thức cho cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp", ông Tuấn nói.
Sau khi lắng nghe định hướng phát triển của Đại học Ngoại thương, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhận định đây là hướng đi đúng đắn, rõ ràng và mang tính chiến lược. Với nguồn lực mạnh nhờ việc tự chủ, có mối liên kết mạnh mẽ, sâu sắc với nhiều doanh nghiệp, Đại học Ngoại thương hoàn toàn có khả năng thúc đẩy nghiên cứu khoa học.
Ông Phúc cho rằng Ngoại thương là trường làm rất tốt về mặt đào tạo, luôn nằm trong top các trường kinh tế tốt nhất cả nước. Nếu cải thiện được mặt nghiên cứu và gia tăng công bố quốc tế, uy tín và thứ hạng trong khu vực và thế giới của Đại học Ngoại thương sẽ được cải thiện đáng kể trong những năm tới.
"Tôi thấy các chương trình nghiên cứu là hướng đi rất tốt, khả thi và mang tính chiến lược. Mong rằng trường sẽ có những bước đột phá trong chuyển giao tri thức và nâng cao vị thế của mình", ông Phúc nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo nghị định về hoạt động nghiên cứu khoa học trong các đại học. Thứ trưởng Phúc bày tỏ hy vọng Đại học Ngoại thương sẽ nghiên cứu kỹ dự thảo này, trở thành đơn vị tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo, hỗ trợ sinh viên, giảng viên khởi nghiệp đồng thời thành lập doanh nghiệp ngay trong trường.
Đầu tháng 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo thưởng gần 11 tỷ đồng cho 34 đại học vì có bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc ISI, SCI, SCIE trong năm 2020. Đại học Ngoại thương có 47 bài báo, được thưởng 137 triệu đồng.
Thanh Hằng