Năm 2019, Đại học Ngoại thương tuyển sinh 3.850 chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển kết hợp và dựa trên kết quả thi THPT quốc gia. Trong đó, chỉ tiêu cho trụ sở chính ở Hà Nội là 2.750, cơ sở TP HCM là 950, còn lại ở Quảng Ninh.
Mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển phương thức kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 với cơ sở Hà Nội và TP HCM đồng loạt là 20,5 ở các tổ hợp xét tuyển, cơ sở Quảng Ninh là 17. Mức này đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Cụ thể:
Ở phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia, mức điểm nhận hồ sơ là tổng điểm hai bài/môn thi THPT quốc gia năm 2019 (không bao gồm điểm ưu tiên xét tuyển) trong tổ hợp môn xét tuyển của trường (trong đó có môn Toán và một môn khác không phải là Ngoại ngữ).
Mức này phải đạt từ 15,5 trở lên với các chương trình tiên tiến ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng; chương trình chất lượng cao Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng; chương trình Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản; Kế toán - Kiểm toán ACCA, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng theo định hướng nghề nghiệp quốc tế.
Đối với các chương trình tiên tiến và chất lượng cao Kinh tế đối ngoại, mức điểm nhận hồ sơ phương thức kết hợp là từ 16 trở lên.
Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào Đại học Ngoại thương từ 22,65 đến 24,25. Ngành Kinh tế và Quản trị kinh doanh cơ sở TP HCM lấy điểm cao nhất.