Trả lời VnExpress sáng 19/1, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, trường Đại học Ngân hàng TP HCM, cho biết nhà trường quyết định tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực riêng, dự kiến đợt 1 được tổ chức vào đầu tháng 4 tại TP HCM. Đây là một phương thức xét tuyển mới của trường với chỉ tiêu dự kiến khoảng 10-15% ở mỗi ngành.
Kỳ thi gồm 6 môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý và tiếng Anh với hình thức trắc nghiệm hoàn toàn. Thí sinh được lựa chọn đăng ký thi ba hay nhiều môn theo tổ hợp xét tuyển và được dự thi nhiều đợt. Nội dung các bài thi bám sát chương trình học cấp THPT, theo định hướng kiểm tra năng lực học đại học của thí sinh.
Để xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, thí sinh còn phải có điểm trung bình học tập lớp 11 và học kỳ I lớp 12 từ 6,5 trở lên. Các thông tin về đề thi, lệ phí, cách tính điểm xét tuyển cụ thể của kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được trường công bố chi tiết sau Tết.
Ngoài phương thức này, trường Đại học Ngân hàng TP HCM còn xét tuyển theo ba phương thức khác, gồm: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổng hợp kết quả, thành tích bậc THPT; xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Riêng chương trình cho đối tác quốc tế cấp bằng, trường xét tuyển bằng kết quả học bạ kết hợp phỏng vấn.
Năm nay, trường Đại học Ngân hàng TP HCM tuyển 3.636 chỉ tiêu cho chương trình chất lượng cao, chuẩn, song bằng và 280 chỉ tiêu cho chương trình đối tác cấp bằng. Học phí dự kiến với chương trình chuẩn là 7,05 triệu đồng, chương trình chất lượng cao gần 18 triệu đồng một học kỳ. Với chương trình cấp song bằng và chương trình liên kết đào tạo quốc tế do đại học đối tác cấp bằng, học phí khoảng 212,5 triệu đồng toàn khóa gồm 8 học kỳ.
Chỉ tiêu, phương thức xét tuyển các ngành của trường Đại học Ngân hàng TP HCM năm 2023 như sau:
Trước đó, năm kỳ thi riêng đã được công bố, gồm kỳ thi do Đại học Quốc gia Hà Nội, TP HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Bộ Công an tổ chức. Trong đó, hai kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được tổ chức với quy mô lớn, lên tới 70.000-100.000 lượt thí sinh, và được hàng chục trường đại học công nhận kết quả để xét tuyển.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả các phương thức.
Nhật Lệ