Hôm 9/2, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Đại học Ngân hàng TP HCM, cho biết trường sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với 7 bài thi độc lập, gồm môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý. Trong đó, riêng môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, các môn còn lại 60 phút, với hình thức trắc nghiệm.
Đề thi có 3 dạng câu hỏi: trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm đối chiếu cặp đôi, trắc nghiệm trả lời ngắn. Câu trắc nghiệm lựa chọn đúng/sai gồm ba cột, một cột là danh sách câu hỏi, hai cột còn lại là các ô trống để thí sinh chọn phương án.
Câu trắc nghiệm đối chiếu cặp đôi gồm cột danh sách câu hỏi và câu trả lời. Thí sinh phải ghép câu hỏi của cột này với câu trả lời ở cột còn lại sao cho phù hợp. Số câu trong hai cột có thể bằng nhau hoặc khác nhau. Để giảm khả năng đoán mò của thí sinh, số lượng câu trả lời thường nhiều hơn số câu hỏi.
Với câu trắc nghiệm trả lời ngắn, thí sinh được yêu cầu tìm câu trả lời thay vì lựa chọn từ các phương án cho sẵn. Câu trả lời có thể là một từ, cụm từ, con số, một biểu tượng. Dạng trắc nghiệm này được sử dụng để kiểm tra việc ghi nhớ thông tin, kỹ năng thực hiện một nhiệm vụ, năng lực tư duy, suy luận logic, vận dụng kiến thức.
Giải thích lý do tổ chức một kỳ thi riêng, ông Trung cho biết trong điều kiện kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục đích chính là xét tốt nghiệp, nhà trường cần một kỳ thi có tính phân loại cao để đánh giá năng lực người học, đảm bảo chuẩn đầu vào nhưng vẫn bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành để tạo thuận lợi cho thí sinh.
Trường dự kiến tổ chức 6 đợt thi trong tháng 4 và tháng 5 ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam. Lệ phí thi sẽ được công bố vào đầu tháng 3. Trung tâm Khảo thí Quốc gia trực thuộc Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) là đơn vị hỗ trợ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, cung cấp phần mềm tổ chức thi trên máy tính và truyền dữ liệu thi vào hệ thống máy chủ và máy tính dự thi của thí sinh.
Theo ông Trung, 90% câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, 10% còn lại là kiến thức lớp 10, 11. Do đó, thí sinh chỉ cần sử dụng những kiến thức đã học ở trường để làm bài, không cần luyện thi.
Năm nay, trường Đại học Ngân hàng TP HCM tuyển 3.636 chỉ tiêu cho chương trình chất lượng cao, chuẩn, song bằng. Trong đó, 10-15% chỉ tiêu được dành cho phương thức xét kết quả kỳ thi do nhà trường tổ chức. Để đăng ký xét tuyển theo phương thức này, thí sinh phải có điểm trung bình học tập lớp 11 và học kỳ I lớp 12 từ 6,5 trở lên.
Ngoài ra, trường xét tuyển theo ba phương thức khác, gồm: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổng hợp kết quả, thành tích bậc THPT; xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Với 280 chỉ tiêu của chương trình liên kết do đối tác quốc tế cấp bằng, trường xét tuyển bằng kết quả học bạ kết hợp phỏng vấn.
Học phí dự kiến với chương trình chuẩn là 7,05 triệu đồng, chương trình chất lượng cao là gần 18 triệu đồng một học kỳ. Với chương trình song bằng và chương trình liên kết đào tạo, học phí khoảng 212,5 triệu đồng toàn khóa gồm 8 học kỳ.
Ngoài trường Đại học Ngân hàng TP HCM, tám đơn vị khác cũng thông báo tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP HCM, Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Sư phạm TP HCM, trường Đại học Việt Đức và Bộ Công an.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.
Nhật Lệ