Tại họp báo về giáo dục đại học Nga hôm 8/12 ở Hà Nội, ông Vladimir Vladimirovich Murashkin, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, cho biết hàng năm chính phủ nước này cấp 1.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam ở tất cả bậc học (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ).
Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga là cơ quan điều hành, quản lý và tuyển chọn học bổng.
"Hơn 740 đại học của Nga tham gia chương trình học bổng này. Mỗi ứng viên được chọn 6 trường, theo thứ tự ưu tiên", ông Murashkin nói, cho biết ứng viên có thể tìm hiểu thông tin và cách chuẩn bị hồ sơ qua các kênh của Trung tâm.
Đại diện của khoảng 10 đại học Nga tham dự sự kiện bày tỏ mong muốn đón nhiều sinh viên Việt Nam sang học theo diện học bổng chính phủ.
Ông Yurchenko Sergey Vasilievich, Phó hiệu trưởng Đại học Liên bang Crimea mang tên V.I. Vernadsky (KFU), cho hay hợp tác với các đại học của Việt Nam là mục tiêu trong chiến lược của trường. Trong thời kỳ Xô Viết, KFU từng đào tạo 60 công dân Việt Nam. Tháng 5 năm ngoái, trường có một sinh viên Việt Nam bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Chính trị học.
"Hiện KFU không có sinh viên Việt Nam nào. Đó là lý do chúng tôi ở đây để các bạn biết tới trường nhiều hơn", ông Vasilievich nói.
Theo ông Vasilievich, KFU có thế mạnh về các lĩnh vực xã hội, nông nghiệp, đặc biệt là y học. KFU cũng hy vọng có cơ hội trao đổi sinh viên, giảng viên, phương pháp giảng dạy, giáo trình với các trường của Việt Nam để cùng học hỏi, nâng cao trình độ và giúp đỡ nhau.
Tại Đại học Kỹ thuật Quốc gia Novosibirsk NETI ở thành phố Novosibirsk, bà Borovikova Daria Vladimirovna, phòng tuyển sinh và giáo dục dự bị đại học, cho hay trường hiện có 8 sinh viên Việt Nam học hệ cử nhân và nghiên cứu sinh theo diện học bổng chính phủ. Đa số học ngành kỹ thuật.
Trường mạnh về lĩnh vực điện tử như điện tử công suất, điện tử chân không và các ngành về quang điện tử. Ngoài học bổng, sinh viên Việt Nam có cơ hội vào học nếu giành chiến thắng trong kỳ thi Olympic của trường. Nếu không biết tiếng Nga, sinh viên có thể lựa chọn khóa dự bị 1-1,5 năm trước khi vào học chính thức. Học phí khóa dự bị khoảng 1.500 USD (hơn 36 triệu đồng).
Còn ở trường Đại học Thú y Quốc gia St. Petersburg, bà Lyutik Ekaterina Valerievna, chuyên viên phòng hợp tác giáo dục quốc tế, cho biết trong lần tới Việt Nam này, trường đã ký hợp tác trong lĩnh vực sinh học với Học viện Nông nghiệp Việt Nam; thỏa thuận về nghiên cứu và sản xuất vaccine với Đại học Dược Hà Nội... Trường cũng có hướng mở các chương trình ngắn hạn bằng cả tiếng Anh, Nga và Việt, nhằm tuyển được sinh viên sang Nga học ngành Thú y bằng học bổng.
"Tôi mong chào đón đồng nghiệp và sinh viên Việt Nam đến học tập tại trường trong thời gian tới", bà Valerievna nói.
Theo ông Lê Chí Lợi, đại diện Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có khoảng 6.000 người học tập tại 180 trường đại học trên lãnh thổ Nga. Trong số này, trên 85% học các ngành khoa học cơ bản và công nghệ cao.
"Chúng tôi tin đội ngũ sinh viên Viêt Nam tốt nghiệp tại các trường uy tín, được tiếp nhận kiến thức mới từ Nga về sẽ trở thành lực lượng nguồn nhân lực tốt, phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội cũng như khoa học kỹ thuật của đất nước", ông Lợi nói.
Bình Minh