Trong các ngành tuyển sinh, Luật lấy nhiều sinh viên nhất với 1.405, sau đó là Luật kinh tế - 400. Trường tuyển sinh theo hai phương thức là xét học bạ và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020. Đối với học bạ, trường dành 30% chỉ tiêu xét tuyển theo ngành cho thí sinh trường THPT chuyên của tỉnh, thành phố và 10% cho học sinh các trường THPT còn lại.
Thí sinh đủ điều kiện xét tuyển thẳng phải có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi năm học kỳ THPT (trừ học kỳ II năm học 2019-2020), riêng kỳ I năm lớp 12 các môn thuộc tổ hợp xét tuyển tối thiểu 8. Nếu đăng ký xét tuyển theo hai tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và C00 (Văn, Sử, Địa), thí sinh phải có điểm tiếng Anh trong năm kỳ học từ 7 trở lên.
Những em có chứng chỉ IELTS, TOEFL ITP, TOEFL iBT sẽ được quy đổi tương ứng sang thang điểm 10, thay cho kết quả học tập môn tiếng Anh tại bậc THPT. Thí sinh xét tuyển bằng học bạ chỉ được đăng ký một nguyện vọng cho một tổ hợp.
Ngoài ra, trường cũng chấp nhận xét tuyển thẳng thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi cấp tình trở lên các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp.
Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngưỡng đảm bảo chất lượng của Đại học Luật cơ sở Hà Nội là 20 đối với tổ hợp C00, 18 với các tổ hợp còn lại. Điểm sàn đối với hai nhóm tổ hợp trên tại phân hiệu Đăk Lăk lần lượt là 18 và 16. Trường tuyển 60% chỉ tiêu theo phương thức này.
Chỉ tiêu cụ thể đối với từng ngành như sau:
Trường chấp nhận các tổ hợp xét tuyển gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, tiếng Anh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), D02 (Toán, Văn, tiếng Nga) và D03 (Toán, Văn, tiếng Pháp).
Năm 2019, ngành Luật kinh tế với tổ hợp xét tuyển C00 của Đại học Luật Hà Nội lấy điểm cao nhất - 26,5, ngành thấp nhất là Luật khối A01 - 18 điểm.
Thanh Hằng