Chiều 6/1, Đại học Kinh tế TP HCM công bố phương án tuyển sinh năm 2022 (khoá 48). Cơ sở chính TP HCM có 6.550 chỉ tiêu với 31 chương trình đào tạo, phân hiệu Vĩnh Long có 600 chỉ tiêu với 12 chương trình.
Hai chương trình mới được trường tuyển năm nay gồm Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện. Riêng phân hiệu Vĩnh Long, trường bổ sung hai chương trình đào tạo Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Tài chính. Toàn bộ sinh viên năm cuối tại Vĩnh Long sẽ tham gia chương trình luân chuyển campus, học tập tại cơ sở TP HCM.
6 phương thức tuyển sinh được Đại học Kinh tế TP HCM sử dụng gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển học sinh giỏi; Xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn; Xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực; Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
* Xem chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Kinh tế TP HCM
Đại học Kinh tế TP HCM thuộc top trường có điểm chuẩn hàng năm cao nhất tại TP HCM. Năm ngoái, theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các ngành tại cơ sở chính có điểm chuẩn 22-27,5. Ngành Marketing (chương trình chuẩn và chất lượng cao) và Kinh doanh quốc tế (cử nhân tài năng) có đầu vào cao nhất 27,5.
Với phương thức xét thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài, xét học sinh giỏi xét tổ hợp môn, hầu hết ngành đòi hỏi kết quả học tập THPT của thí sinh phải từ 9 trở lên. Ngoài ra, thí sinh phải có các tiêu chí phụ như: chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS 6.0 trở lên; đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh các môn Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh, Văn, Tin học; học sinh trường THPT chuyên, năng khiếu.
Tháng 10/2021, Đại học Kinh tế TP HCM thành lập 3 trường trực thuộc theo đề án tái cấu trúc trường giai đoạn 2021 - 2025, gồm trường Kinh doanh; trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, trường Công nghệ và Thiết kế.
* Tra cứu ngành học, điểm chuẩn của Đại học Kinh tế TP HCM