Ngày 22/12, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp TP HCM, cho biết năm 2023, trường dự kiến tuyển hơn 8.000 sinh viên cho 45 ngành và nhóm ngành. Các phương thức và tỷ lệ phân bổ chỉ tiêu được giữ ổn định như năm ngoái.
Theo đó, 50% chỉ tiêu vẫn được dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp 2023. Lý giải điều này, ông Nhân cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT có cơ sở tham chiếu tốt do được tổ chức trên quy mô cả nước. Ngoài ra, trường cũng muốn tạo điều kiện cho các thí sinh vùng sâu, khó khăn - nhóm khó tiếp cận các phương thức thi riêng, xét tuyển chứng chỉ quốc tế, để các em yên tâm ôn thi tốt nghiệp THPT và sử dụng phương thức này.
Ba phương thức xét tuyển còn lại được trường Đại học Công nghiệp TP HCM sử dụng gồm xét học bạ lớp 12 (dự kiến 30% chỉ tiêu, giảm nhẹ 5% so với năm ngoái); sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM (10%); còn lại tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (10%), áp dụng với học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, học sinh trường chuyên hoặc có IELTS tối thiểu 5.0.
Nếu nộp hồ sơ theo phương thức xét học bạ hoặc ưu tiên xét tuyển, thí sinh phải đạt tối thiểu 21 điểm theo tổ hợp ba môn xét tuyển, riêng ngành Dược học lấy điểm sàn 24 và học lực lớp 12 loại giỏi. Ở phân hiệu Quảng Ngãi, trường áp dụng điểm sàn là 19 cho phương thức xét học bạ.
Xem 45 ngành đào tạo năm 2023 của trường Đại học Công nghiệp TP HCM
Năm 2022, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất của trường Đại học Công nghiệp TP HCM là Marketing và Luật Kinh tế (hệ đại trà), cùng 26. Nhiều ngành khác lấy trên 24 như nhóm ngành Tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật máy tính, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật ôtô, nhóm ngành Công nghệ thông tin, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Ngôn ngữ Anh.
Tất cả ngành ở phân hiệu Quảng Ngãi có điểm chuẩn thấp nhất là 16. So với năm 2021, mặt bằng điểm chuẩn trường này tăng 0,5-2 điểm.
Thanh Hằng