Nếu không học online, các trường có thể cho học sinh nghỉ. Dù chọn phương án nào, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải sớm quyết định để chủ động trong việc ứng phó khi Covid-19 còn phức tạp, đồng thời hoàn thành kế hoạch năm học 2020-2021.
Ngoài xây dựng phương án học tập, trường đại học cần yêu cầu sinh viên và cán bộ thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế), cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone. Nếu phát hiện F0, F1, F2, trường phải phối hợp với cơ quan chức năng để truy vết, hỗ trợ cung cấp thông tin đồng thời yêu cầu sinh viên, cán bộ khai báo y tế đầy đủ.
Do đợt dịch bùng phát từ ngày 28/1, hàng loạt đại học đã cho sinh viên nghỉ Tết Nguyên đán sớm khoảng 7-10 ngày, như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Luật Hà Nội, Kinh tế - Luật TP HCM... Nhiều trường vẫn tổ chức dạy và học nhưng đổi từ trực tiếp sang trực tuyến, như: Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Mở Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Hai ngày trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường phổ thông chuẩn bị phương án, chủ động dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tế. Việc dạy học trực tuyến đã được các nhà trường làm quen trong đợt dịch đầu năm 2020. Đa số trường tổ chức dạy trực tuyến trong tháng 2-4, đến tháng 5/2020 khi quay trở lại lớp học sinh chỉ phải mất vài tuần ôn tập lại.
Đến sáng 2/2, gần 30 tỉnh, thành đã cho học sinh nghỉ Tết Tân Sửu sớm khoảng một tuần so với lịch nghỉ đã thông báo từ trước. Thời gian đi học trở lại là sau kỳ nghỉ Tết hoặc đến khi có thông báo mới.
Trong năm ngày 28/1-2/2, Bộ Y tế ghi nhận 277 ca nhiễm cộng đồng, ở 10 tỉnh thành gồm: Hải Dương (207), Quảng Ninh (33), Hà Nội (20), Gia Lai (6), Bắc Ninh (3), Bình Dương (2), Hòa Bình (2), Bắc Giang, TP HCM, Hải Phòng, mỗi nơi một ca.
Thanh Hằng