Việc này nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên; vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2020-2021.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các địa phương thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan chuyên môn trong trường hợp phát hiện ca Covid-19, F1, F2; báo cáo UBND tỉnh, thành phố để quyết định cho học sinh nghỉ học.
Việc dạy học trực tuyến đã được các nhà trường làm quen trong đợt dịch đầu năm 2020. Đa số trường tổ chức dạy trực tuyến trong tháng 2-4, đến tháng 5/2020 khi quay trở lại lớp học sinh chỉ phải mất vài tuần ôn tập lại.
Chỉ trong ba ngày 28-30/1, 180 ca nhiễm cộng đồng được Bộ Y tế ghi nhận, tập trung ở hai ổ dịch là Công ty Poyun ở TP Chí Linh, Hải Dương và sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh. Các tỉnh thành lân cận gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng đều phát hiện ca dương tính.
Hiện, những tỉnh thành có dịch là Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh đã cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học. Ở Bắc Giang, học sinh toàn huyện Lục Nam không phải đến trường. Tại Hà Nội, hàng chục trường đã cho học sinh nghỉ do có phụ huynh nhiễm nCoV, hoặc là F1, từng tổ chức tham quan tại hai tỉnh có dịch Quảng Ninh và Hải Dương.
Ở khối đại học, nhiều trường cho sinh viên nghỉ Tết sớm hơn dự kiến một tuần, như Đại học Bách khoa Hà Nội, Luật Hà Nội, Kinh tế - Luật TP HCM... Nhiều trường vẫn tổ chức dạy và học nhưng đổi từ trực tiếp sang trực tuyến, như Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Mở Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Đại học Mở Hà Nội còn yêu cầu các đơn vị lên kế hoạch chi tiết về hoạt động dạy - học trực tuyến từ nay đến ngày 8/2 và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thầy cô Học viện Báo chí và Tuyên truyền thậm chí còn khuyên sinh viên khi về quê nghỉ Tết nên mang theo sách vở, tài liệu, đề phòng dịch có thể còn kéo dài sau Tết.
Đến sáng 30/1, tổng ca nhiễm trên toàn quốc là 1.739, trong đó 1.448 người khỏi bệnh, 35 người tử vong do Covid-19.