Ngày 26/4, PGS Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết trường sẽ tổ chức kỳ thi riêng ở 3 tỉnh thành thay vì chỉ ở Hà Nội như công bố trước đó để giảm thiểu tác động đến học sinh, giúp các em thuận tiện hơn trong việc đi lại.
"Quyết định này khiến trường vất vả hơn, đặc biệt trong khâu phối hợp với các địa phương, nơi tổ chức kỳ thi. Tuy nhiên, nhờ đã chuẩn bị suốt một năm qua, trường không bị động trước việc thay đổi phương án thi THPT, vẫn xem xét điều chỉnh với mục tiêu giảm áp lực cho thí sinh", ông Thắng nói.
Kỳ thi tuyển sinh riêng của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức vào ngày 25/7. Chỉ tiêu cho hình thức này chiếm 70% tổng chỉ tiêu của từng khối ngành. Thí sinh có nguyện vọng vào khối ngành kỹ thuật, kinh tế sẽ thi một buổi trên giấy với ba môn Toán, Đọc hiểu và tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh). Với ngành Ngôn ngữ Anh, thí sinh thi Toán, Đọc hiểu (trên giấy) và Tiếng Anh (trên máy tính). Tất cả môn thi trắc nghiệm, riêng Toán 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận.
Ông Thắng cho hay ý tưởng về kỳ thi riêng song song với kỳ thi THPT quốc gia được trường đưa ra từ đầu năm 2019 và trường xây dựng đề án ngay sau khi kết thúc công tác tuyển sinh năm ngoái. Đề án phải phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục của Chính phủ và đổi mới thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tính ổn định lâu dài, tiếp cận với các chuẩn mực của thế giới.
Từ nhiều năm trước, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh nhưng tại thời điểm này tính chất hoàn toàn khác, trường phải chuẩn bị, kích hoạt lại mọi khâu. Công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, phòng thi, phòng máy tính, cán bộ coi thi, kế hoạch tài chính, hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin và xây dựng phần mềm cho công tác sơ tuyển, xét tuyển đang được triển khai.
Để tổ chức tuyển sinh riêng, theo ông Thắng, phương thức thi và đề thi là yếu tố quyết định. Đại học Bách khoa Hà Nội có bề dày kinh nghiệm trong công tác ra đề thi, nhiều thầy cô ra đề thi cho các kỳ thi đại học, thi 3 chung, thi THPT quốc gia hay thi học sinh giỏi các cấp nên có phần thuận lợi.
Tuy nhiên, để tăng tính đa dạng cũng như để phù hợp với học sinh THPT, trường đã phối hợp với nhiều giáo viên phổ thông từ trường chuyên, trường điểm, thầy cô có kinh nghiệm ra đề thi ở các tỉnh, thành phố với mục đích xây dựng nguồn đề thi phong phú, cập nhật, phù hợp với Việt Nam và tiếp cận với thế giới.
Dự kiến đầu tháng 5 trường sẽ công bố đề cương và các ví dụ mẫu về đề thi. Nhà trường cũng sẽ tổ chức nhiều buổi hướng dẫn cách ôn tập cho học sinh, một mặt để các em làm quen với các ra đề mới, một mặt để ổn định tâm lý trong quá trình ôn tập. "Trường khẳng định học sinh hoàn toàn có thể tự ôn tập, tự học theo hướng dẫn, không nhất thiết phải luyện thi", ông Thắng nói.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức sơ tuyển để lấy khoảng 10.000 thí sinh tham gia dự thi. Phó hiệu trưởng Thắng cho hay trường có tính đến việc mở rộng số lượng dự thi hoặc không cần sơ tuyển nhưng phương án đưa ra phải chắc chắn, an toàn, không bị động, đặc biệt trong năm đầu tiên tổ chức. Việc giới hạn số lượng dự thi như vậy sẽ có lợi cho công tác chuẩn bị.
Những năm tiếp theo, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ đồng hành cùng các trường đại học khác, đặc biệt nhóm trường khối Kỹ thuật - Công nghệ, cùng phối hợp để đưa ra những phương án xét tuyển phù hợp, có lợi nhất cho thí sinh và cho sự phát triển của hệ thống đại học Việt Nam.
Trước đó ngày 22/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và được chấp thuận. Thí sinh sẽ thi ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Các trường đại học chủ động tuyển sinh.