Sáng 23/12, Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo điều chỉnh cấu trúc, nội dung đề thi đánh giá tư duy và bắt đầu áp dụng từ năm 2023. Bài thi tư duy diễn ra trong 150 phút, ít hơn 120 phút so với cấu trúc cũ. Trong đó, mỗi phần Tư duy Toán học và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề có thời lượng 60 phút, còn Tư duy Đọc hiểu 30 phút.
Phần thi | Hình thức | Thời lượng (phút) | Điểm |
Tư duy Toán học | Trắc nghiệm | 60 | 40 |
Tư duy Đọc hiểu | Trắc nghiệm | 30 | 20 |
Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề | Trắc nghiệm | 60 | 40 |
Tổng | 150 | 100 |
Ngoài thay đổi về thời lượng, bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023 còn ba thay đổi khác.
Thứ nhất, câu hỏi của cả ba phần thi được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm, tổng điểm 100. Năm ngoái, bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội kết hợp cả trắc nghiệm và tự luận.
Thứ hai, cấu trúc đề thi đánh giá tư duy mới không còn bài tổ hợp khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và tiếng Anh. Phần thi Toán học và Tư duy Đọc hiểu như năm trước.
Phần Toán học của bài thi đánh giá toàn bộ sự phát triển năng lực và tư duy của học sinh thông qua chương trình Toán lớp 11 và 12, gồm kiến thức về số học, đại số, hàm số, hình học, thống kê và xác suất. "Các câu hỏi từ dễ đến khó với độ tin cậy, đảm bảo phân hoá được mức độ sẵn sàng vào đại học của thí sinh", Đại học Bách khoa Hà Nội nói.
Ở phần Đọc hiểu, thí sinh được đo lường khả năng đọc nhanh và hiểu đúng thông qua các văn bản khoa học, văn học, báo chí. Câu hỏi đọc hiểu yêu cầu thí sinh sử dụng kỹ năng viện dẫn và lập luận để xác định ý chính, giải thích các chi tiết quan trọng, hiểu chuỗi sự kiện.
Phần Khoa học/Giải quyết cung cấp thông tin khoa học được thể hiện dưới dạng dữ liệu (đồ thị, bảng biểu, sơ đồ), tóm tắt nghiên cứu hoặc quan điểm xung đột. Các câu hỏi của phần này nhằm kiểm tra cách giải thích, phân tích, đánh giá, lý giải và kỹ năng giải quyết vấn đề của thí sinh. So với năm 2022, đề thi mới không còn phần lựa chọn, nên thí sinh bắt buộc tham gia toàn bộ ba phần của đề thi.
Cuối cùng, thay vì diễn ra cả ngày và thi trên giấy như các năm trước, kỳ thi đánh giá tư duy 2023 được tổ chức trên máy tính trong một buổi. Đại học Bách khoa Hà Nội có thể tổ chức nhiều đợt, địa điểm thi khác nhau và thí sinh không bị giới hạn số lần thi. Sau khi hoàn thành bài thi, các em được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong hai năm, được đăng ký xét tuyển vào bất cứ đại học nào sử dụng kết quả của kỳ thi.
Lý giải về sự thay đổi, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết muốn mở rộng khả năng sử dụng kết quả bài thi cho các trường thuộc khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp và y dược; phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
*Tra cứu về trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Giữa tháng 11, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết lên kế hoạch tổ chức ba đợt thi đánh giá năng lực trong năm 2023, vào các tháng 5, 6 và 7, tăng hai đợt so với các năm trước. Năm ngoái, kỳ thi này thu hút hơn 7.100 thí sinh tham dự, hơn 20 trường sử dụng kết quả để xét tuyển.
Ngoài kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, hai đại học quốc gia Hà Nội, TP HCM, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Công an cũng tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển và được nhiều đơn vị khác công nhận, dùng xét đầu vào.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả các phương thức.
Thanh Hằng