Nepal là một trong những nước nghèo nhất châu Á, đang trải qua quá trình phát triển rất lộn xộn. Tiếp sau cuộc nội chiến kéo dài từ 1996 đến 2006 là một giai đoạn bất ổn chính trị sâu sắc. Nền kinh tế đang phát triển nhưng có rất ít quy hoạch, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Sự bùng nổ xây dựng đang diễn ra được thúc đẩy bởi dòng kiều hối gửi về từ nhiều người Nepal đang làm việc ở vùng Vịnh. Kết quả là, các tòa nhà mới chất lượng kém mọc lên khắp nơi khiến Kathmandu trông ngày càng hỗn loạn.
Nhưng Nepal có một nền văn hóa phong phú lạ thường. Có bảy di sản thế giới được UNESCO công nhận trong thung lũng Kathmandu, với các tòa nhà từ thế kỷ 12 đến 18. Bất chấp sự phát triển đô thị hỗn loạn, thung lũng Kathmandu vẫn còn rải rác các mảng chạm khắc gỗ tuyệt đẹp, những tượng điêu khắc đồng và các tác phẩm đất nung.
Khách sạn Dwarika's là hiện thân của truyền thống văn hóa giàu có này. Được xây bằng gạch thủ công truyền thống, nó phối trộn ban công bằng gỗ nguyên sơ với cửa sổ và mái hiên từ hàng thế kỷ trước. Thiết kế của các tòa nhà lấy cảm hứng từ cung điện hoàng gia cổ đại Nepal. Các khán phòng lớn của nó là sự kết hợp bộ sưu tập mênh mông những tạo tác của lịch sử. Các phòng nghỉ có sàn lát gạch đất nung kiểu Nepal, đồ nội thất truyền thống và ghế nệm được sản xuất tại địa phương. Thậm chí còn có một thư viện.
Khởi nguồn của khách sạn bắt đầu từ năm 1950, khi ông Dwarika Das Shrestra, một doanh nhân địa phương, thấy những người thợ mộc đang cưa một cột gỗ được chạm khắc tinh xảo để làm củi. Ông Dwarika có cảm thức sâu sắc về thành phố của mình và nền văn hóa của nó, do đó ông cảm nhận sự phá hủy vô nghĩa sắp xảy tới. Ông thuộc về nhóm Newari, một cộng đồng thịnh vượng với những ảnh hưởng Tây Tạng mạnh mẽ đã làm chủ Nepal cho đến giữa thế kỷ 18. Ông cũng là một người đàn ông học thức, được đào tạo tại Ấn Độ về luật và thương mại. Vấn vương với cảm giác đau khổ khi nhìn thấy những gì mà những người thợ mộc sắp sửa làm, ông đã cho họ gỗ mới để cứu cây cột.
Sự khởi đầu như một phản ứng bốc đồng ấy đã phát triển thành niềm đam mê, và ngay sau đó, cam kết bảo vệ di sản của ông Dwarika đã có một đời sống riêng của nó. Ông đã lang thang trong thung lũng Kathmandu, tung ra các dự án cải tạo nhỏ cho các toà nhà cổ đang bị đe dọa phá hủy và giải cứu những tạo tác giá trị dọc đường đi. Đối mặt với vấn đề phải lưu trữ tất cả các tác phẩm này, ông quyết định xây dựng một tòa nhà theo phong cách truyền thống bằng cách sử dụng vật liệu và đồ trang trí giải cứu được. Ông đã mường tượng rằng tòa nhà mới này sẽ hoạt động như một nhà khách, cho phép du khách đánh giá cao văn hóa và lịch sử của Nepal.
Đây là thời điểm mà Nepal không được thế giới biết đến, nhóm khách du lịch duy nhất là những người hành hương tôn giáo. Nhưng ông Dwarika nhanh chóng thành lập một trong những công ty du lịch đầu tiên của đất nước. Ông đã dành hàng tháng ở Nhật Bản, cố gắng thúc đẩy các tour du lịch đến Nepal. Ông đã thất bại, và điều đó khiến ông nhận ra rằng Nepal không có những cơ sở lưu trú sang trọng cần thiết để thu hút du khách cao cấp. Nhận thức này đã thúc đẩy ý tưởng biến nhà khách thành khách sạn Dwarika ngày nay.
Trong nhiều thập kỷ, các tòa nhà mới với cùng một phong cách đã được xây dựng thêm. Tổng diện tích của khách sạn hiện nay bằng diện tích của một khối phố, xen kẽ những sân vườn trang nhã được làm duyên bởi thảm thực vật lộng lẫy. Kiến trúc của khách sạn ánh chiếu một số nghề thủ công tốt nhất của Nepal. Không ngạc nhiên, khách sạn Dwarika's đã giành được một số giải thưởng di sản.
Nhưng nó còn là một doanh nghiệp có lợi nhuận. Ông Dwarika qua đời vào năm 1992, song vợ và con gái rất thành công trong việc kế tục di sản của ông. Khi tôi ăn sáng dưới gốc cây ở một trong những sân vườn quyến rũ, tôi có thể thấy đám đông thượng lưu mà khách sạn thu hút. Nhiều người trong số họ là những người châu Âu và người Mỹ giàu có, tinh tường, những người dành một vài ngày thưởng lãm di sản của Kathmandu trước khi đương đầu với những hành trình gian khổ trên dãy Himalaya.
Trong bữa sáng ấy, tôi không thể không so sánh Kathmandu và Hà Nội. Vào thời kỳ Đổi mới, Việt Nam cũng là một nước nghèo. Và giống Kathmandu, Hà Nội là một thành phố có bản sắc độc đáo. Sự phát triển kinh tế của Việt Nam không lộn xộn như Nepal. Nhưng trong sự vội vã bước đến thịnh vượng, một phần di sản phong phú của Hà Nội đang bị mất đi. Dễ hiểu là những người bình thường có thể không đánh giá đầy đủ vẻ đẹp xung quanh họ. Giống như những người thợ mộc trong câu chuyện của ông Dwarika, họ có thể phá hủy các biệt thự cũ để thay thế chúng bằng các tòa nhà nhạt nhẽo. Nhưng điều muộn phiền là các nhà đầu tư giàu có dường như cũng không quan tâm. Một số dành quan tâm đến lợi nhuận chóng vánh mà các trung tâm mua sắm và các tòa chung cư có thể tạo ra, thậm chí với cái giá là phải hy sinh di sản của thành phố.
Tôi chắc chắn rằng các thế hệ tương lai của Nepal sẽ nghĩ về ông Dwarika với lòng biết ơn bởi “khối phố” đẹp mê mẩn mà ông đã "cứu sống". Các nhà đầu tư giàu có của Việt Nam muốn có thể được nhớ đến theo cách đầy trân trọng, nếu cân nhắc học theo sự kết hợp thông minh giữa kinh doanh có lợi nhuận và bảo tồn di sản mà ông Dwarika đã làm, và tự hỏi những gì cần "cứu sống" ở một khối phố trong khu vực lõi của Hà Nội.
Xin cho tôi đưa ra một câu trả lời dự kiến. Mục tiêu lợi nhuận sẽ đòi các tòa nhà văn phòng và căn hộ mới phải được xây cao hơn trong “khối”. Nhưng bảo tồn di sản lại liên quan đến việc bảo dưỡng những đặc điểm làm Hà Nội đặc biệt. Ví dụ, các biệt thự Pháp trong một “khối” có thể được cải tạo trở thành cửa hiệu và nhà hàng cao cấp. Các căn hộ bên trong nhà tập thể cũ có thể được hiện đại hóa hoàn toàn trong khi vẻ ngoài kiến trúc Xô Viết ban đầu được khôi phục. Còn các khoảng sân vườn và không gian công cộng của “khối” có thể được lưu giữ và cải tạo đẹp hơn, để nuôi dưỡng trên đó một đời sống vỉa hè Hà Nội.
Các nhà đầu tư thông minh và tâm huyết có thể có câu trả lời tốt hơn tôi. Và tôi sẽ rất vui nếu họ thực hiện. Tôi chỉ ước rằng Hà Nội sẽ sớm có người giống như ông Dwarika.
Martin Rama