Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vừa thành lập tổ công tác đặc biệt gồm nhiều sở, ngành để giải quyết những vấn đề liên quan đến Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Thiên Mã sau khi ông Phan Bá Tòng - chủ doanh nghiệp này bị Bộ Công an bắt giữ.
Tổ công tác gồm nhiều đơn vị tham gia như: Ngân hàng Nhà nước, Cục thuế, Công an… do ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất-công nghiệp Cần Thơ làm Tổ trưởng nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động bình thường, không liên quan đến vụ án vừa bị Bộ Công an khởi tố và bắt giữ ông Phan Bá Tòng.
Nhiệm vụ của tổ công tác là nắm bắt tình trạng nợ nần, sản xuất kinh doanh, bảo hiểm xã hội, lương bổng của cán bộ, nhân viên và người lao động tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Thiên Mã. Sau đó, tổ công tác sẽ đề xuất các giải pháp, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cùng phối hợp giải quyết những tồn đọng, nhằm tránh xảy ra điểm nóng do nợ lương công nhân, thiếu tiền trả nợ khách hàng bán cá và các doanh nghiệp xây dựng…
Thống kê sơ bộ đến thời điểm này Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Thiên Mã nợ gần 800 tỷ đồng, chủ yếu từ một số ngân hàng tại Cần Thơ và Hậu Giang, công ty mua bán nợ, khách hàng bán cá tra nguyên liệu, các doanh nghiệp xây dựng… Trong đó, một chi nhánh ngân hàng lớn tại Cần Thơ đang là chủ khoản nợ 600 tỷ đồng.
Hiện luật sư và người có trách nhiệm của công ty đang làm các thủ tục pháp lý để ông Tòng ủy quyền cho vợ thay mặt điều hành, giải quyết các vấn đề liên quan đến công ty.
Cuối tháng 3 vừa qua, Cục cảnh sát Kinh tế (C46, Bộ Công an) bắt giữ ông Phan Bá Tòng.
Khoảng 15 năm trước, từ một nhân viên nhà hàng với khả năng quản lý tốt, giỏi tiếng Anh cộng với tài pha chế rượu, Phan Bá Tòng được một thương nhân người Mỹ để ý và mời hợp tác làm ăn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy sản. Tòng đảm nhiệm tốt vai trò đại lý cung ứng nguồn hàng cá tra, ba sa xuất khẩu qua Mỹ nên việc làm ăn ngày càng phát triển.
Năm 2005 Phan Bá Tòng đứng ra thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã với vốn điều lệ 70 tỷ đồng để chủ động sản xuất kinh doanh theo quy trình khép kín. Biệt danh “Tòng Thiên Mã” cũng bắt đầu từ đây. Không lâu sau, đơn vị này phất lên với 3 nhà máy sản xuất có hàng nghìn công nhân làm việc, 12 trang trại thủy sản khép kín quy mô 100ha, với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Đại gia thủy sản từng sở hữu 3 biệt thự lớn ở trung tâm Cần Thơ, xe Hummer H2 nhập từ Mỹ, biển số 3333 và chiếc ôtô Camry biển 9999. Đại gia này từng có ý mua máy bay trực thăng để làm ăn, thăm vùng nuôi thủy sản và tự thân qua Mỹ học lái.
Thời điểm năm 2010, ngành cá tra Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng, công ty của Tòng Thiên Mã cũng nằm trong vòng xoáy khắc nghiệt này, phải cạnh tranh gay gắt với hàng trăm doanh nghiệp cùng ngành, trong khi nợ ngân hàng với lãi suất cao từ những lần vay trước ngày một lớn, khiến Tòng bắt đầu mất cân đối thu chi.
Để cứu công ty bên bờ vực phá sản, như một số đại gia thủy sản khác ở miền Tây, Tòng Thiên Mã phải tìm cách vay thêm vốn mới để trả nợ cũ, nên ngày càng lún sâu trong nợ nần. Cuối năm 2012, ông Tòng tuyên bố số nợ của các ngân hàng gần 600 tỷ đồng, mất khả năng thanh toán…
Cửu Long