Có hơn 2.000 robot hình người Pepper đang làm việc tại Nhật Bản. Một số khác đã ‘xuất khẩu lao động’ đi nước ngoài. Chi phí để duy trì hoạt động cho một robot tốn khoảng 500 USD mỗi tháng. Ở nhiều thị trường phát triển, đây là khoản khá kinh tế, nếu so với việc thuê và trả lương cho một người. Đó là chưa kể các chế độ phúc lợi và bảo hiểm.
Vì thế, kể từ khi ‘Cách mạng 4.0’ được đề cập thường xuyên, câu hỏi liệu robot sẽ thay thế công việc của con người liên tiếp được đặt ra với nhiều nghi ngại. Tuy nhiên, với ông Kan Kiyota – Giám đốc Tiếp thị toàn cầu của SoftBank Robotics, tình hình có vẻ không ‘nguy hiểm’ đến như vậy.
“Tôi muốn chia sẻ ý kiến cá nhân. Thực sự, ‘thay thế’ là một từ khá mạnh. Trong khi, chúng tôi đang cố gắng tập trung vào việc robot có thể hỗ trợ con người sống tốt hơn. Robot hình người chính là giá trị cộng thêm cho cuộc sống”, ông Kiyota nói.
Nhưng tại sao những robot trong ngành dịch vụ lại cần một hình dáng giống như con người? Vị chuyên gia chỉ ra tâm lý giao tiếp và kết nối của con người. Theo đó, robot có ưu điểm là vừa giống người nhưng không phải người. Điều này kích thích con người tò mò và muốn tương tác hơn, có khi là hơn cả người thật.
“Pepper là một robot hình người, dáng vẻ như con người với khả năng tương tác, trò chuyện như chúng ta, bao gồm hai tay, hai mắt, gương mặt… Bạn sẽ có xu hướng trò chuyện với nó hơn là một cái máy không có đặc điểm giống mình. Đó là tâm lý tương tác mặt đối mặt”, ông Kiyota chỉ ra.
Tuy nhiên, dù giống người nhưng những ‘tố chất’ của máy móc khiến đôi khi nó có ưu điểm hơn. Thứ nhất, con người có xu hướng muốn tham gia vào các kênh giao tiếp mới. Người máy là một kênh thú vị, nhất là với trẻ em.
“Hãy tưởng tượng bạn đang đi trên đường, một ai đó tiến đến và chào mời ‘Thưa ông, tôi có một sản phẩm mới muốn giới thiệu cùng ông’, bạn sẽ không quan tâm và bỏ qua. Tuy nhiên, nếu một robot tiếp cận và nói ‘Chào bạn, tôi có một thông tin thú vị dành cho bạn’, bạn sẽ dừng lại lắng nghe”, ông diễn giải.
Chủ sử dụng lao động các ngành dịch vụ cũng sẽ hài lòng hơn với một robot vì chúng thể hiện cảm xúc vừa phải. Đó chính là ưu điểm lớn thứ hai.
Về mặt kỹ thuật có thể làm cho Pepper thể hiện cảm xúc. Nhưng bạn thuê một người quá nhạy cảm và thể hiện nhiều cảm xúc thì cũng không phải hữu ích. Trường hợp này, không cần robot phải thể hiện quá nhiều. "Tuy nhiên, nó có thể nhận ra biểu cảm gương mặt bạn, biết bạn đang giận dữ chẳng hạn. Nó sẽ biết cách phản ứng thế nào với thái độ của bạn. Nó sẽ không giận dữ với những lời lẽ không hay. Bởi vì đó là điều chúng tôi không muốn có, khi nó phục vụ trong nhà hàng”, ông Kiyota lý giải.
Tuy nhiên, robot cũng còn khá nhiều hạn chế. Thực tế, chi phí vận hành nó thấp hơn việc trả lương con người vì nó cũng làm được những công việc đơn giản và mang tính lặp lại, nhàm chán.
“Tôi không nói rằng tất cả robot sẽ thay thế lực lượng lao động con người. Với sự tiến bộ của công nghệ, một số công việc sẽ mất đi nhưng cũng có những thứ mới được tạo ra. Những phát minh công nghệ mới sẽ đi cùng với sự phát triển cấp độ lao động của con người”, ông kết luận.
Nếu chỉ xét riêng tại Nhật Bản, triển vọng robot cướp việc con người càng khó xảy ra hơn. Hàng loạt ngành đang rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động.
Ví dụ như trong lĩnh vực ăn uống hay chăm sóc người già. Ước tính, đến 2025, nước này thiếu 380.000 điều dưỡng để chăm sóc người già. Trong khi đó, ngành dịch vụ ăn uống cũng ngày càng ‘khát’ người.
“Ngay bây giờ, ngành dịch vụ ăn uống Nhật Bản đang thiếu hụt trầm trọng lao động vì mọi người có xu hướng tránh chọn những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày. Nó rất cực nhọc. Mọi người thường phải làm việc rất dài đến 12 giờ, có người còn làm việc đến 15 giờ mỗi ngày”, ông Tetsuya Sawanobori – Chủ tịch của Connected Robotics nói với CNBC.
Trước khi khởi nghiệp với robot, ông Sawanobori từng điều hành một nhà hàng như một nghề truyền thống của gia đình. Hiện giờ, doanh nghiêp robot của ông là một trong các startup từng nhận đầu tư từ quỹ 500 Startups.
Viễn Thông