Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 – Số hóa: Tương lai của doanh nghiệp” mới đây, ông Phạm Hồng Hải – CEO HSBC Việt Nam cho biết, hiện nay, máy móc đã làm thay con người các công việc trong ngành ngân hàng như đầu tư, cho vay…
“Mỗi ngày, máy sẽ thông minh hơn do tự học hỏi từ những quyết định cả đúng, sai của máy và con người”, ông Hải cho nói.
Tuy nhiên, CEO HSBC Việt Nam cho rằng, điều này không đồng nghĩa với việc 90% việc làm trong ngành ngân hàng sẽ bị máy móc cướp đi. Ông giải thích, ngân hàng hiện chỉ phục vụ được 40% dân số Việt Nam nhưng khi có công nghệ sẽ phục vụ thêm được cả các khách hàng ở khu vực nông thôn, miền núi… mà không cần mở chi nhánh.
“Như vậy, miếng bánh sẽ lớn hơn rất nhiều và ngân hàng sẽ tạo thêm công ăn việc làm. Tuy nhiên, kỹ năng của người làm ngân hàng cần phải thay đổi”, ông Hải nói.
Ông lấy ví dụ, tất cả các giao dịch ngoại hối trước đây tại ngân hàng này đều thông qua con người. Khách hàng gọi đến cần mua một triệu USD, giao dịch viên sẽ báo giá. Sau đó, nhân viên và khách lại phải trao đổi qua lại nhiều lần trên điện thoại, rất mất thời gian, không hiệu quả. Tuy nhiên, toàn bộ các giao dịch này hiện nay qua hệ thống mạng, máy tự báo giá hai chiều. Những người làm công việc đó sẽ chuyển sang tư vấn cho khách hàng.
Theo ông Hải, thay vì ngồi báo giá như một cỗ máy, nhân viên được nói chuyện để hiểu và tư vấn rủi ro, các giải pháp cho khách. Ngoài rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả công việc, điều này còn góp phần tăng thêm giá trị cho khách hàng. Và quan trọng hơn là nâng tầm nhân viên và giúp tăng độ gắn kết của người lao động với doanh nghiệp khi công việc trở nên lý thú hơn rất nhiều.
“Không nên quá bi quan về việc máy móc sẽ thay thế con người. Mình nên nghĩ con người làm sao, cần thay đổi gì để hợp tác cùng phát triển với máy móc”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo vị CEO này, ngành ngân hàng thường tương đối bảo thủ trong việc thay đổi mô hình kinh doanh. Nhưng hiện nay, không thay đổi thì không phát triển trong tương lai được. Vì vậy, việc ngân hàng hợp tác với các hãng công nghệ là điều chắc chắn. Thái độ của các bên liên quan cũng thay đổi rất nhiều.
Ông Hải nhớ lại, 5 năm trước, HSBC qua nói chuyện với Tencent – một trong những hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc nhưng không được chào đón. Tuy nhiên, cách đây 2 năm lại rất khác. HSBC và Tencent đều nhìn nhận thấy khả năng của cả hai bên. "Ngân hàng hiểu và có một lượng khách hàng lớn. Trong khi đó, Tencent là hãng công nghệ có rất nhiều phương thức kinh doanh mới mà HSBC chưa bao giờ có. Vì vậy, sự kết hợp giữa hai đơn vị hàng đầu mỗi lĩnh vực sẽ mang lại những lợi ích rất lớn”, ông nói.
Tuy nhiên, nhằm hạn chế rủi ro trong việc tích hợp các công nghệ mới, ông Hải cho biết, HSBC sẽ tiếp cận song song. Tức là vẫn duy trì mô hình kinh doanh cũ, đồng thời đầu tư vào công nghệ mới và thử nghiệm xem có phù hợp không. Theo ông, nếu đúng như mong muốn, HSBC mới đưa vào hệ thống. Đây là cách tiếp cận theo từng giai đoạn, cho phép ngân hàng khử sai và không phá hoàn toàn nền tảng đã xây dựng hơn 100 năm qua.
Vị lãnh đạo này tiết lộ, HSBC Việt Nam sắp tới sẽ công bố nhiều giải pháp về công nghệ và tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Trước đây, nhà băng này tập trung rất nhiều vào các quy trình, quy định kiểm sát rủi ro nhưng chưa chú ý đến trải nghiệm, làm sao để khách hàng cảm thấy hài lòng nhất.
“Khách đến ngân hàng vẫn cảm thấy khó khăn, phức tạp. Ba năm tới, chúng tôi muốn thay đổi trải nghiệm này bằng cả công nghệ, con người nhằm giải quyết tối đa các nhu cầu của khách hàng”, ông Hải cho hay.
Đồng quan điểm với CEO HSBC, ông Đinh Bá Tiến - Phó tổng giám đốc VietUnion cho rằng sự chuyển dịch công nghệ của các doanh nghiệp truyền thống như ngân hàng tốn rất nhiều thời gian, chi phí và chậm hơn các công ty công nghệ. "Các công ty truyền thống không dám bước chân ra khỏi khu vực an toàn vì hàng năm kinh doanh vẫn có lời nên không cần phải mạo hiểm", ông Tiến nói.
Nhưng hiện các doanh nghiệp truyền thống đã ngồi lại với công ty công nghệ để cùng phối hợp. Ông lấy dẫn chứng trường hợp của hãng taxi Vinasun không mấy quan tâm đến việc phát triển công nghệ khi Uber, Grab chưa vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hãng taxi này đã phải cuống cuồng tìm kiếm các giải pháp công nghệ khi bị Uber, Grab chiếm lĩnh thị trường.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Sơn - CEO General Electric Việt Nam cho rằng: "Cuộc cách mạng số hiện nay cho phép tăng tính cạnh tranh cho ngành sản xuất của trong tương lai, bên cạnh tăng năng suất, hiệu quả lao động". Theo ông Sơn, suốt 126 năm tồn tại, GE luôn liên tục thay đổi, từ công nghệ cho đến các quản trị, điều hành công ty chuyển mình sang công nghệ số để tồn tại, thích nghi với thị trường.
Anh Tú