Dù là chủ một doanh nghiệp tư nhân cỡ bự với vài trăm nhân viên dưới quyền, sếp Hoàng vẫn luôn duy trì một lối sống và sinh hoạt khá khắc khổ. Quần áo, giầy dép 100% là hàng "made in Việt Nam". Máy tính, điện thoại di động ông thường sử dụng triệt để cho đến khi hỏng, không có khả năng hồi phục mới đem thay.
Buổi trưa, trừ khi tiếp khách, còn lại, sếp trung thành với suất cơm hộp giá 25.000 đồng gọi về tận phòng. Khi có thời gian, ông cải thiện bữa ăn bằng cách quá bộ lên nhà bếp tập thể, nhưng tiêu chuẩn mà ông định ra cho mình cũng không vượt qua số tiền 30.000 đồng.
Chiếc máy bay thứ hai do người Việt Nam sở hữu có mặt tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: M.T. |
Khi ai đó thắc mắc về lối sống tằn tiện của mình, sếp Hoàng chỉ cười mà rằng nếu ăn mặc quá sang trọng và trải chuốt khiến ông ngại tham gia vào một số công việc chân tay. Và nếu như vậy, dần dần ông sẽ trở thành người "chỉ tay năm ngón", trong khi sếp muốn để nhân viên nể phục thì phải chứng tỏ rằng công việc gì anh ta cũng có thể làm được. Tuy nhiên, có một lý do khác mà sếp Hoàng ngại nói ra, ấy là ông không muốn bị "soi" và khi ra đường ai cũng nghĩ mình có nhiều tiền...
Năm 2008, ông chủ câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức trở thành người Việt đầu tiên sở hữu phi cơ riêng. Sau đó, năm 2009, khi lần thứ 2 nhận danh hiệu người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, ông Đức bày tỏ khát vọng sẽ lọt vào danh sách tỷ phú thế giới. Thời điểm đó, dù dư luận đã có cái nhìn khá thiện cảm với người giàu, song vẫn có ý kiến nói rằng việc tỏ ra "khát" tỷ phú như ông Đức là quá sớm và có cái gì đó hơi "ngông".
Nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn tâm sự với VnExpress.net rằng những người dám đặt chân vào thương trường đều có suy nghĩ như ông Đức, muốn khẳng định tên tuổi với thế giới và họ đang âm thầm phấn đấu để đạt được. Có điều, vì sợ dư luận, sợ bị soi mói và nhiều lý do khác, họ ngại nói ra.
Chiếc Rolls-Royce chính hãng đầu tiên của nữ đại gia bất động sản Sài Gòn. Ảnh: H.A. |
Tại thời điểm chiếc phi cơ riêng của bầu Đức có mặt ở VN, lãnh đạo một ngân hàng có tiếng cũng lên kế hoạch mua chiếc máy bay tương tự. Ông này đã nhờ đối tác lo thủ tục, tìm nguồn hàng và đã ứng trước tiền đặt cọc. Thế rồi, 2 tháng sau đó, ông hủy ý định vì sợ rằng đời sống khá yên bình của ông và gia đình bỗng chốc ồn ào và bị quá nhiều người soi mói. Gần 2 năm trôi qua, mơ ước sở hữu máy bay riêng vẫn còn nhưng vị tổng giám đốc này chưa dám thực hiện ý định.
Cuối năm 2006, thị trường xe hơi trong nước rộ lên phong trào sắm xe siêu sang. Những chú ngựa sắt có tên tuổi như Maybach, Rolls-Royce, Bentley hay Aston Martin lần lượt lăn bánh về Việt Nam. Người ta biết rõ mười mươi chủ nhân chiếc Maybach trị giá hơn một triệu đôla Mỹ đầu tiên có mặt tại Việt Nam là chủ tịch một hãng kinh doanh thực phẩm TP HCM. Ông này cũng có tên trong danh sách những người giàu sàn chứng khoán Việt trong 3 năm liên tiếp. Thế nhưng, gần 4 năm trời khi đặt mua Maybach, theo tiết lộ của người bạn thân cận với ông thì chiếc xe hiếm khi được sử dụng. Hầu như chưa khi nào người ta thấy vị chủ tịch này cùng xe dạo phố.
Trong khi ở nước ngoài, các chủ xe siêu sang thích khoe xe của mình thì ở Việt Nam, xe càng đắt tiền thì người sở hữu càng không thích lộ diện. Kết quả là, những siêu xe nhập về Việt Nam đều được giữ bí mật về người sở hữu cũng như giá xe.
Người đứng ra làm thủ tục nhập khẩu những chiếc xe này cũng chỉ tiết lộ rằng chủ nhân đều là những ông chủ doanh nghiệp rất giàu có. Họ mua xe về để thỏa niềm đam mê chứ không muốn bị phát hiện giữa chốn đông người.
Sợ bị soi, sợ bị người khác nói mình giàu là tâm lý của nhiều chủ doanh nghiệp. Dù rằng, hễ ai nói đến sự giàu, các sếp luôn có câu cửa miệng: "Giàu chính đáng thì có gì mà sợ". Chính vì lẽ này mà tổng giám đốc một doanh nghiệp cỡ bự ở TP HCM đang sở hữu tới cả chục chiếc xe sang hoặc siêu sang nhiều năm nay vẫn lái chiếc xe Matiz đi làm.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp viễn thông ở Hà Nội cho rằng các chủ doanh nghiệp phấn đấu sự phát triển công ty ngoài việc kiếm tiền thì mục đích quan trọng hơn là khẳng định tên tuổi. Song cũng phải thông cảm rằng họ có quá nhiều việc phải làm, phải chịu áp lực rất lớn. Do đó, giảm được sự nổi tiếng chừng nào, họ bớt được phiền hà và bị soi mói chừng ấy.
Phan Linh Anh