Sáng 11/3, TAND Hà Nội bước vào ngày xét xử thứ ba vụ án lừa đảo 433 tỷ đồng, do Nguyễn Thị Hà Thành câu kết cùng 17 cán bộ 3 ngân hàng NCB, VietABank và PVcombank thực hiện.
Trả lời luật sư, ông Đặng Nghĩa Toàn (47 tuổi, người có quyền và nghĩa vụ liên quan) cho biết quen Hà Thành khoảng năm 2017. Bị cáo giới thiệu là nhân viên huy động vốn của các ngân hàng lớn, song không nói cụ thể ngân hàng nào. "Tôi cũng không quan tâm điều đó, chỉ quan tâm tiền của mình có an toàn hay không", ông nói.
Theo cáo trạng, Thành biết ông Toàn có nhiều tiền, đề nghị vay bằng hình thức ông này gửi tiền vào NCB hoặc PVcomBank rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành quản lý. Thành sẽ trả ngay cho vợ chồng ông khoản lãi ngoài 4,2% một tháng và khi đến hạn sẽ trả sổ tiết kiệm cho ông để đến ngân hàng rút tiền gốc, còn lãi suất Thành được hưởng.
Tại tòa, ông Toàn nói nhiều lần đến NCB làm thủ tục với Thành, thấy bị cáo đi lại trong phòng giám đốc và khu vực quầy giao dịch của các nhân viên, chỉ đạo việc mở sổ tiết kiệm cho mình. Từ đó ông cho rằng Thành cũng là thành phần lãnh đạo ngân hàng, có quyền hành.
Về các lần mở sổ tiết kiệm tại NCB, ông cho biết đã thực hiện đúng quy trình gửi tiền vào ngân hàng theo sự hướng dẫn của nhân viên quầy. Ông mang tiền đến, nộp tiền vào số tài khoản, sau đó mới yêu cầu gửi tiền vào sổ tiết kiệm. Theo ông Toàn, ông gửi tiền vào tài khoản rồi mới làm sổ, theo lời khuyên của nhiều bạn bè trong ngành ngân hàng, để tránh rủi ro không truy vết được việc gửi tiền.
Sau khi hoàn tất, ông Toàn được nhận sổ tiết kiệm đóng dấu NCB và các phiếu thu. "Tôi hiểu là, sau khi tôi gửi tiền vào ngân hàng thì ngân hàng sẽ có trách nhiệm bảo vệ số tiền đó nên rất yên tâm", ông Toàn nói, thêm rằng đã gửi 4 sổ tiết kiệm với tổng 50 tỷ đồng vào NCB.
Cáo trạng xác định, 4 sổ tiết kiệm này đã bị Thành câu kết với các cán bộ ngân hàng NCB để lừa đảo 4 vụ, gây thiệt hại 47,5 tỷ đồng. Cụ thể, Thành dùng các sổ tiết kiệm làm tài sản thế chấp cho doanh nghiệp sân sau là Eurocell (đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đã ngừng hoạt động).
Bốn cựu cán bộ ngân hàng NCB bị truy tố hai nhóm tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng. Trong phiên xét hỏi chiều hôm qua, họ đều nói "có một phần lỗi" vì không phát hiện Công ty Eurocell của Hà Thành đã ngừng hoạt động, không vi phạm quy định hoạt động của ngân hàng, nhưng khẳng định không được lợi gì.
Bị cáo Nguyễn Hồng Trung (cựu chuyên viên cao cấp, Trung tâm giao dịch Vạn Xuân, Ngân hàng NCB) khai Thành vay thế chấp nên chỉ cần thẩm định tài sản thế chấp đó một lần. 3 lần sau, Trung không thẩm định lại, "cứ thế ký". Trung cho hay đó là quy định của ngân hàng, vì thế bị cáo không sai.
Trung không đi gặp chủ tài sản thế chấp (ông Toàn) để xác nhận họ có muốn dùng tài sản (4 sổ tiết kiệm 50 tỷ đồng) thế chấp hay không, cũng không nắm thông tin công ty "sân sau" của Hà Thành (Eurocell) đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đã ngừng hoạt động.
Trong khi đó, sếp của Trung - bị cáo Trần Thị Hoa (cựu phó giám đốc chi nhánh Hà Nội của NCB), khai được Trung trình duyệt cấp tín dụng cho Eurocell vay, cũng không kiểm tra, phát hiện. Bà Hoa còn đốc thúc Trung liên hệ ngay quầy giao dịch, mở tài khoản cho Eurocell để giao dịch.
Khi biết bị lừa đảo, ông Toàn đã đến trình báo cơ quan điều tra và đến NCB làm việc. "NCB cam kết sau khi có giám định chữ ký trên hồ sơ vay vốn, nếu không phải của tôi sẽ trả lại tiền. Nhưng đến nay NCB vẫn chưa trả tôi đồng nào", ông Toàn cho hay.
Cùng thủ đoạn giả mạo chữ ký, Hà Thành đã áp dụng với sổ tiết kiệm của ông Toàn tại VietABank và PVcombank. Đến nay, ông Toàn chưa được cả 3 ngân hàng hoàn trả tổng cộng 122 tỷ đồng.
Ông Toàn nhiều lần khẳng định trước tòa, không nghĩ bị Hà Thành lừa. "Tôi biết quy định ngân hàng rất chặt chẽ, muốn làm bất cứ thủ tục gì liên quan sổ tiết kiệm cũng cần chứng minh nhân dân, chữ ký và chính chủ đến làm thủ tục. Tôi rất yên tâm khi gửi tiền vào ngân hàng, không nghĩ bị chính các cán bộ ngân hàng phản bội", ông nói.
Trong khi đó, Hà Thành nói "không lừa đảo ai, chỉ vay nợ mà chưa có khả năng trả". Liên quan đến số tiền đã trả ông Toàn hiện còn mâu thuẫn, bị cáo khẳng định đã trả tổng cộng 80 tỷ đồng gồm 35 tỷ tiền lãi và 45 tỷ gốc.
Hai lần trả lãi đều bằng tiền mặt. Một lần Thành lái ôtô đến nhà riêng của ông Toàn để đưa bao tải đựng 20 tỷ đồng, lần còn lại 15 tỷ bị cáo giao ở quán cà phê trên phố Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cả hai lần đều không viết giấy xác nhận do đã làm việc lâu và nhiều lần với nhau.
Tuy nhiên, ông Toàn phủ nhận tất cả những lần nhận tiền này.
Vụ án trải qua nhiều lần trả hồ sơ, điều tra bổ sung để xác định quan hệ vay nợ của hai người, liệu có sự đồng phạm trục lợi. Đến nay, ông Toàn vẫn được VKS xác định là người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Chiều nay tòa tiếp tục làm việc.
Thanh Lam