Với mẹ tôi, có lẽ Tết thật sự bắt đầu từ lúc tháng chạp vừa mới đến, khi cây mai theo mùa tự nhiên rụng dần những chiếc lá xanh vẫn còn tươi nét mỡ màng. Và rồi, vừa mới bước qua rằm tháng chạp, mẹ đã hối lũ con cháu tước hết những chiếc lá còn lại. Năm nay, tháng chạp nơi này - Sacramento, California - có những ngày ấm áp lạ lùng, nắng vàng ươm như rót mật, hai dì cháu tôi vừa tước lá mai vừa cười đùa vui vẻ trong buổi chiều 16 âm lịch không khí êm ả, dịu dàng.
Trong nhà, loáng thoáng có tiếng mẹ trả lời điện thoại thím tôi, giọng mẹ đầy vẻ bận rộn một cách hãnh điện. Tết năm nào cũng thế, cứ vào khỏang này là thím ấy lại gọi điện hỏi mẹ đặt bao nhiêu bánh chưng, bánh tét chay để thím liệu nấu.
Mặc dầu các chợ Việt và chợ châu Á bày bán hầu như không thiếu thứ gì nhưng vẫn có những phụ nữ như thím, muốn tự tay gói những chiếc bánh ngày Tết riêng cho mình và một số người thân quen để cúng ông bà.
Bánh được gói chặt tay, nếp dẻo quánh và thơm bùi. Tôi khẽ mỉm cười một mình. Nếu như không có lá cờ Mỹ đang nhẹ bay ở nóc nhà bên cạnh, và cô hàng xóm tóc vàng, mắt xanh trong chiếc quần lửng vừa đi ngang qua giơ tay chào thân thiện thì tôi cứ nỡ rằng mình đang ở ngay trên quê nhà.
Tết của gia đình tôi. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Tết. Đó cũng là một cơ hội sum vầy cho những cuộc đời xa xứ bận rộn, tất bật của chúng tôi. Đại gia đình chúng tôi gồm mẹ, anh chị em và con cháu gần 20 người đều sống ở Mỹ nhưng mấy khi được gặp mặt nhau đầy đủ tất cả đâu? Tết giúp chúng tôi ráng biến vài điều "không thể" thành "có thể".
Gia đình nào cũng phải cố gắng sắp xếp cho được một buổi để trở về ngôi nhà nơi mẹ đang sống, ăn một bữa cơm chung, mừng tuổi mẹ, bà; rồi còn được mẹ, bà lì xì lộc Tết. Các em trai và cháu trai tôi đi làm, đi học ở những thành phố khác trong tiểu bang cũng đều tề tựu về đông đủ.
Tết năm nay, mọi người thỏa thuận với nhau bữa cơm đòan tụ là vào tối chủ nhật trước ngày cúng ông Táo. Cả ba thế hệ tụ hội về trong căn nhà nhỏ, ấm cúng tiếng nói cười, trò chuyện, hỏi han. Đàn cháu nhỏ đùa giỡn, đuổi nhau chạy vòng vòng quanh nhà.
Sau bữa cơm, chúng tôi lần lượt từng ngừơi mừng tuổi mẹ và được mẹ phát cho chiếc phong bao màu đỏ có mấy đồng tiền giấy mới mà mẹ đã chu đáo nhờ đổi từ trước. Các cháu tôi, sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, đều lễ phép vòng tay trước bà, nói những câu chúc bằng tiếng Việt.
Anh chị em chúng tôi tuy không ai nói ra nhưng ai cũng đều thấy tràn ngập trong tâm niềm vui sướng. Vui, vì nếp nhà vẫn được giữ trên xứ xa dù trong số anh chị em chúng tôi, có người đã gần 30 năm sống ở Mỹ. Vui, vì đã khôn lớn, trưởng thành nhưng vẫn còn có mẹ.
Có mẹ, quê hương tuy xa nhưng bao giờ cũng gần gũi lại càng trở nên thân thương, cụ thể xiết bao. Ừ nhỉ, thì mẹ cũng chính là quê hương của các con. Có mẹ, Tết thêm đậm đà, ý vị, nồng nàn. Mẹ cũngg là Tết của chúng tôi đấy mà. Với mẹ, chúng tôi mãi hoài thơ dại với mùa xuân.
Cháu tôi với cô giáo trong lần thuyết trình về Tết Việt Nam. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Mẹ tôi đã ngòai 70 tuổi và gần 20 năm sống trên đất Mỹ, không chỉ cố giữ cho được nét truyền thống của gia đình Việt, mẹ già chúng tôi còn rất tích cực, theo kiểu riêng của mẹ, "truyền bá" văn hóa của dân tộc.
Hai năm trước, khi còn theo học ở trường Cao đẳng cộng đồng, tôi thường có những phần thi tthuyết trình. Có lần, tôi được mẹ khuyến khích, sao con không nói cho các bạn cùng lớp biết về chiếc áo dài Việt Nam nhỉ?
Lần ấy, mẹ giúp tôi sọan lại mấy chiếc áo dài đem qua Mỹ đã lâu, chọn cho tôi chiếc mà theo mẹ, tôi mặc đẹp nhất để mặc đến lớp thuyết trình cho thêm phần sinh động. Áo dài -chiếc áo truyền thống mà rất đông phụ nữ Việt thích mặc vào ngày lễ Tết, nhất là khi đi chùa.
Rồi lần bé Ni, cháu gái tôi 9 tuổi, thuyết trình về đề tài Tết Việt Nam, mẹ cũng lụi hụi cùng với tôi giúp bé tìm những tranh ảnh về Tết, dán lên tấm bìa giấy khổ lớn để bé mang đến lớp minh họa.
Mẹ tỏ ra thú vị mỗi khi đi ăn tiệm Việt với chúng tôi, bắt gặp những thực khách người bản xứ say sưa món Việt và cầm đũa rành rẽ. Người Việt ngày càng có mặt ở nhiều nơi ở nhiều vùng miền trên thế giới. Cùng với những bước chân Việt, trong đó có những bước chân mẹ già như mẹ chúng tôi, những văn hóa, phong tục Việt như Tết cổ truyền của dân tộc-được giữ gìn, và hơn thế nữa, được lan tỏa.
Những ngày đầu xuân, trời bỗng dưng trở lạnh và mưa. Đón Tết cổ truyền trên xứ xa nhưng chúng tôi vẫn thấy mùa xuân lung linh ấm nồng vì lòng luôn hướng về quê hương và có mẹ cạnh bên. Như bao nhiêu người Việt xa quê khác, chúng tôi dù đi đâu về đâu vẫn mang theo trong trái tim mình quê hưong yêu dấu. Cám ơn diễm phúc ấy. Ngày Tết, có quê hương, có mẹ bên đời xa xứ.
Kim Nguyễn