Đứng đầu danh sách hao hụt tài sản trên sàn chứng khoán năm nay, theo thống kê của VnExpress và đối tác cung cấp dữ liệu VNDIRECT, là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Đặng Hồng Anh với số tiền ước tính hơn 610 tỷ đồng. Tuy vậy, sự hao hút này lại không đến từ cổ phiếu SCR, nơi ông đang sở hữu gần 14,9 triệu cổ phiếu.
Cùng với gia đình họ Đặng, ông Hồng Anh vừa trải qua một năm nhiều sóng gió. Sau khi chính thức rời Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, Mã CK: STB) cuối năm ngoái, đến giữa năm 2013, gần 80 triệu cổ phiếu của ông và người cha Đặng Văn Thành đã được nhà băng sử dụng để cấn trừ khoản nợ 1.600 tỷ. Đến đầu tháng 12, sở hữu của ông Đặng Hồng Anh tại Sacombank chỉ còn lại 7 triệu cổ phiếu, giảm mạnh so với con số 32,3 triệu hồi cuối năm ngoái. Đây là nguyên nhân chính khiến doanh nhân trẻ này trở thành người có tài sản giảm mạnh nhất trên sàn chứng khoán năm qua.
Ngoài STB, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín, ông Hồng Anh đang sở hữu gần 14,9 triệu cổ phiếu SCR. Sau hơn 11 tháng, giá chứng khoán này biến động khá mạnh nhưng lại quay về mức đầu năm, khoảng 7.000 đồng một cổ phiếu. Do đó, tài sản chứng khoán của doanh nhân này gần như không đổi tại Sacomreal, khoảng 107 tỷ đồng.
Cùng với ông Đặng Hồng Anh, một doanh nhân trong ngành địa ốc khác cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh tài sản chứng khoán trong năm qua do bán bớt cổ phiếu là Chủ tịch Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) - Trịnh Văn Quyết.
Nguyên nhân chính khiến đại gia này hao hụt tài sản chứng khoán hơn 290 tỷ đồng là quyết định bán bớt 4,5 triệu cổ phiếu cách đây một tháng. Động thái này khiến ông Quyết lọt vào danh sách những đại gia có tài sản chứng khoán giảm mạnh nhất sàn trong năm, dù thị giá FLC tăng hơn 20% trong cùng giai đoạn.
>> 50 doanh nhân hao hụt tài sản nhiều nhất năm 2013 |
Chung lý do trên, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – vợ ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC) cũng mất hàng chục tỷ đồng tài sản cổ phiếu trong năm qua. Theo các thông tin công bố và quy tắc thống kê của VnExpress, hiện bà Thanh nắm cổ phiếu tại hai công ty của chồng là Đô thị Kinh Bắc và Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, Mã CK: SGT), số lượng không thay đổi từ cuối năm 2012.
Năm ngoái, bà Thanh còn sở hữu hơn 14,8 triệu cổ phiếu NVB của Ngân hàng Nam Việt, chiếm 50% tỷ trọng danh mục nhưng đã thoái vốn xong từ đầu năm nay. Thương vụ này là nguyên nhân khiến tài sản cổ phiếu của nữ doanh nhân giảm 55 tỷ đồng trong hơn 11 tháng qua, cho dù cổ phiếu KBC của vị phu nhân này vẫn tăng giá tới 60% trong cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng, bình quân tăng giá của nhóm cổ phiếu địa ốc niêm yết tại hai sàn Hà Nội và TP HCM chỉ đạt gần 5%, thấp hơn 4 lần so với tốc độ tăng chung toàn thị trường. |
Ngoài 3 doanh nhân nêu trên, phần lớn tài sản của các đại gia hoạt động trong lĩnh vực địa ốc hao hụt trong năm 2013 đều có nguyên nhân từ giảm giá cổ phiếu. Tính riêng trong Top 15, có tới 6 đại diện của ngành này. Diễn biến phần nào cho thấy thị trường và tình hình kinh doanh của các công ty bất động sản vẫn còn hết sức khó khăn.
Do giá cổ phiếu giảm hơn 18% so với hồi đầu năm, trị giá tài sản chứng khoán của ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch Công ty Phát triển Bất động sản Phát Đạt bay hơi hơn 200 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp, gia tài cổ phiếu của chủ tịch Bất động sản Phát Đạt hao hụt.
So với năm ngoái, lượng cổ phiếu doanh nhân này sở hữu vẫn giữ nguyên với tư cách là cổ đông lớn nhất công ty. Hồi năm 2011 – thời điểm được xem là đỉnh cao của các đại gia bất động sản khi nhiều doanh nhân lọt top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán, trị giá tài sản của ông Đạt còn lên tới 1.445 tỷ đồng, cao hơn 317 tỷ đồng so với hiện tại.
Cùng với vị chủ tịch này, tài sản của vợ ông là bà Nguyễn Thị Diệu Hiền – người đang nắm hơn 19,2 triệu cổ phiếu PDR cũng bị ảnh hưởng do giá PDR sụt giảm. Tổng cộng sau hơn 11 tháng, gia tài của bà Hiền tại công ty chồng hao hụt gần 54 tỷ đồng.
Một đại gia địa ốc khác cũng ghi nhận sự hao hút lớn về tài sản chứng khoán là ông Đỗ Văn Bình – Phó chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, Mã CK: SJS). Theo thông tin công bố, hiện ông Bình chỉ sở hữu cổ phiếu SJS nhưng đã bán bớt hơn 3,8 triệu chứng khoán trong năm nay. Cộng thêm việc giá SJS giảm trên 25% sau 11 tháng, gia tài cổ phiếu của Phó chủ tịch Sudico trên sàn chứng khoán đã mất hơn 175 tỷ đồng.
Hiện cổ phiếu SJS của công ty nằm trong diện kiểm soát từ hôm 11/4 và chỉ được giao dịch ở đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa mỗi phiên. Một trong những điểm sáng hiện thời của Sudico là khoản lãi sau thuế gần 34 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước còn lỗ hơn 127 tỷ. Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn đang phải gánh khoản lỗ lũy kế để lại từ các quý trước lên đến trên 350 tỷ đồng.
Ngoài các đại gia địa ốc, năm nay nhiều doanh nhân thuộc các lĩnh vực khác như thủy sản, sản xuất cũng hao hụt hàng trăm tỷ đồng do giá cổ phiếu giảm. Trong đó, chủ yếu gồm các lãnh đạo và cổ đông sở hữu cổ phiếu ALP tại Tập đoàn Alphanam và MPC của Thủy sản Minh Phú.
Tính chung tổng trị giá tài sản qua cổ phiếu 50 doanh nhân hao hụt nhiều nhất năm nay đạt trên 5.000 tỷ đồng, ít hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 1.400 tỷ đồng. Riêng 20 cá nhân có tài sản giảm mạnh nhất đã mất đi trên 4.000 tỷ đồng, tương đương 80% toàn nhóm.
15 doanh nhân có tài sản chứng khoán hao hụt nhiều nhất năm 2013
STT | Họ và tên | Mã CK | Giảm so với 2012 | |
1 | Đặng Hồng Anh | SCR, STB | 613,7 | |
2 | Nguyễn Tuấn Hải | ALP | 569,5 | |
3 | Nguyễn Hoàng Yến | MSN | 337,5 | |
4 | Trịnh Văn Quyết | FLC | 291 | |
5 | Hồ Hùng Anh | MSN | 244 | |
6 | Nguyễn Văn Đạt | PDR | 215 | |
7 | Đỗ Thị Minh Anh | ALP | 181 | |
8 | Đỗ Văn Bình | SJS | 176 | |
9 | Liu Cheng Min | TKU | 90 | |
10 | Chu Thị Bình | MPC | 75 | |
11 | Lê Văn Quang | MPC | 67 | |
12 | Nguyễn Dương Ngọc My | MPC | 64 | |
13 | Nguyễn Thị Kim Thanh | KBC, SGT | 55 | |
14 | Nguyễn Thị Diệu Hiền | PDR | 54 | |
15 | Phạm Văn Mẹo | TPC | 53 |
Đơn vị tính: Tỷ đồng.
Trị giá tài sản tính theo giá cổ phiếu tại ngày 9/12/2013.
VnExpress