"Khi mọi người hỏi 'bao giờ điều này sẽ kết thúc?', họ đang hỏi về kết thúc kiểu xã hội", Jeremy Greene, nhà sử học tại Đại học Johns Hopkins, nói.
Nói cách khác, dịch có thể được coi là kết thúc không phải vì căn bệnh đã bị chế ngự mà vì mọi người đã chán ngấy việc lo lắng, hoảng sợ về dịch và học cách sống chung với nó. Allan Brandt, nhà sử học tại Đại học Harvard, cho biết điều tương tự đang xảy ra với Covid-19. "Chúng ta đã thấy trong các cuộc tranh luận về mở cửa kinh tế, nhiều câu hỏi về 'kết thúc' không được xác định bởi dữ liệu y tế mà bởi yếu tố chính trị - xã hội".
Để tìm câu trả lời cho Covid-19, giới chuyên gia nhìn lại những dịch bệnh trong lịch sử. Dịch hạch đã bùng phát nhiều lần trong 2.000 năm qua, giết hàng triệu người và làm thay đổi tiến trình lịch sử. Bệnh này do chủng vi khuẩn Yersinia pestis từ bọ chét trên chuột gây ra. Nhưng dịch hạch, còn được gọi là Cái chết đen, cũng có thể lây từ người sang người qua đường giọt bắn, vì vậy, không thể xóa sổ được dịch chỉ bằng cách giết chuột.
Theo Mary Fissell, nhà sử học tại Đại học Johns Hopkins, có ba làn sóng dịch hạch lớn: thế kỷ thứ sáu; thời trung cổ vào thế kỷ 14; cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Đại dịch thời trung cổ khởi phát vào năm 1331 tại Trung Quốc. Dịch bệnh cùng với cuộc nội chiến vào thời điểm đó đã giết một nửa dân số Trung Quốc. Sau đó, dịch lây lan dọc theo các tuyến thương mại đến châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông. Từ năm 1347 đến 1351, nó giết ít nhất một phần ba dân số châu Âu. Một nửa dân số Siena, Italy, tử vong.
"Không ai có thể mô tả hết tình cảnh khủng khiếp", người viết biên niên sử thế kỷ 14 Agnolo di Tura cho biết. "Những người không phải nhìn thấy sự kinh khủng đó thật may mắn. Người nhiễm bệnh bị sưng tấy ở nách, ngã quỵ trong khi đang nói chuyện. Người chết được chôn chất đống trong hố".
Dịch hạch kết thúc, nhưng nó lại bùng phát trở lại. Một trong những dịch tồi tệ nhất khởi phát tại Trung Quốc vào năm 1855 và lan rộng toàn thế giới, giết hơn 12 triệu người chỉ riêng ở Ấn Độ. Giới chức y tế ở Bombay đốt toàn bộ một khu phố để cố gắng loại bỏ mầm bệnh. "Không ai biết biện pháp đó có tác dụng hay không", nhà sử học Đại học Yale Frank Snowden nói.
Không rõ điều gì đã làm cho dịch hạch lắng xuống. Một số học giả lập luận rằng thời tiết lạnh đã giết bọ chét mang mầm bệnh, nhưng yếu tố đó không có tác động với sự lây lan qua đường hô hấp.
Hoặc có thể có thay đổi về những con chuột. Đến thế kỷ 19, mầm bệnh không nằm trên chuột đen mà từ chuột nâu. Chúng khỏe hơn và phá phách hơn nhưng sống tách biệt con người hơn. "Bạn chắc chắn không muốn nuôi một con thú cưng như vậy", Snowden nói.
Một giả thuyết khác là vi khuẩn tiến hóa thành thể ít gây chết người hơn. Hoặc có thể hành động của con người, như đốt các ngôi làng, đã giúp dập tắt dịch bệnh.
Dịch hạch không bao giờ thực sự biến mất. Những con cầy thảo nguyên nguyên ở Tây Nam Mỹ vẫn mang mềm bệnh và có thể truyền sang người. Snowden kể rằng một người bạn của ông nhiễm bệnh sau khi nghỉ tại một khách sạn ở New Mexico. Chó cưng của người thuê phòng trước đó có bọ chét mang vi khuẩn.
Những ca như vậy rất hiếm và giờ có thể được điều trị thành công bằng kháng sinh, nhưng bất kỳ trường hợp dịch hạch nào xuất hiện đều làm dấy lên nỗi sợ hãi.
Một dịch bệnh đã thực sự đã đặt dấu chấm hết về mặt y tế là bệnh đậu mùa. Nhưng có vài lý do: Giới y học đã phát triển được vaccine hiệu quả giúp bảo vệ suốt đời, virus gây bệnh không có vật chủ động vật, vì vậy, loại bỏ bệnh ở người có nghĩa là loại bỏ mầm bệnh hoàn toàn, triệu chứng bệnh đặc biệt nên người nhiễm có dấu hiệu rõ ràng, giúp cách ly và truy vết tiếp xúc hiệu quả.
Người cuối cùng mắc bệnh đậu mùa theo cách tự nhiên là Ali Maow Maalin, đầu bếp bệnh viện ở Somalia, vào năm 1977. Ông đã hồi phục nhưng sau đó chết vì sốt rét năm 2013.
Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 gần đây thường được nhắc đến vì có nhiều điểm tương đồng với Covid-19, cho thấy giá trị của biện pháp cách ly và cách biệt cộng đồng. Trước khi kết thúc, cúm Tây Ban Nha giết chết 50 - 100 triệu người toàn cầu. Nó rình rập từ người trẻ tuổi cho đến trung niên, những đứa trẻ mồ côi, tước đoạt những người trụ cột gia đình, giết binh sĩ trong Thế chiến I.
Sau khi càn quét khắp thế giới, cúm Tây Ban Nha biến mất, chuyển đổi thành biến thể cúm lành tính hơn xuất hiện hàng năm. "Có lẽ nó giống như một ngọn lửa. Sau khi đốt cháy hết đống gỗ thì lửa tàn", Snowden nói.
Nó cũng kết thúc về mặt xã hội. Thế chiến I kết thúc; mọi người sẵn sàng cho một khởi đầu mới, một kỷ nguyên mới và mong muốn gạt đi cơn ác mộng của bệnh tật và chiến tranh. Đại dịch năm 1918 đã bị lãng quên cho đến khi Covid-19 xuất hiện.
Nhiều dịch cúm khác xuất hiện sau đó, không tồi tệ bằng nhưng cũng mang đến nhiều đau thương. Trong dịch cúm ở Hong Kong năm 1968, một triệu người chết toàn cầu, gồm khoảng 100.000 người Mỹ, chủ yếu là người trên 65 tuổi. Loại virus này giờ trở thành cúm mùa và con đường "hủy diệt" ban đầu cùng nỗi sợ hãi đi kèm với nó hiếm khi được nhớ đến.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp nỗi sợ hãi tồn tại ngay cả khi dịch bệnh không hiển hiện. Susan Murray, thuộc Đại học Phẫu thuật Hoàng gia ở Dublin, đã thấy điều đó vào năm 2014, khi cô là nghiên cứu sinh tại một bệnh viện vùng nông thôn ở Ireland.
Trong những tháng trước đó, hơn 11.000 người ở Tây Phi đã chết vì Ebola. Ireland không ghi nhận ca nhiễm nào nhưng công chúng vẫn rất sợ hãi. "Trên đường phố, mọi người rất lo lắng", Murray kể. "Những người da màu bị các hành khách khác trên xe buýt và tàu dè chừng. Chỉ cần bạn ho một cái, những người khác sẽ nháo nhào tránh xa bạn".
Các nhân viên bệnh viện Dublin được cảnh báo chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất. Họ đã rất sợ hãi và lo lắng rằng họ thiếu đồ bảo hộ. Khi một thanh niên đến từ một quốc gia ghi nhận ca nhiễm Ebola vào phòng cấp cứu, không ai muốn đến gần anh này. Các y tá lảng tránh, các bác sĩ dọa bỏ việc.
Chỉ có Murray dám điều trị cho bệnh nhân, nhưng anh ta mắc bệnh ung thư nên cô không thể làm gì nhiều. Vài ngày sau, xét nghiệm xác nhận rằng người đàn ông không mắc Ebola. Anh chết một giờ sau đó. Ba ngày sau, WHO tuyên bố Ebola đã chấm dứt.
"Nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ càng chống lại sự sợ hãi và thiếu hiểu biết như chúng ta chống lại bất kỳ loại virus nào, nỗi sợ hãi có thể gây hậu quả khủng khiếp cho những người dễ bị tổn thương, ngay cả ở những nơi không ghi nhận ca nhiễm. Và 'dịch sợ hãi' có thể gây hậu quả tồi tệ hơn nhiều vì nó bị phức tạp hóa bởi các vấn đề về chủng tộc, đặc quyền và ngôn ngữ", Murray nói.
Câu hỏi đặt ra hiện giờ là khi nào Covid-19 kết thúc và như thế nào? Các nhà sử học nhận định Covid-19 có thể kết thúc theo kiểu xã hội trước kiểu y tế. Mọi người có thể chán ngán những hạn chế đến mức họ tuyên bố đại dịch đã qua, ngay cả khi virus tiếp tục lan truyền âm ỉ trong công chúng và chưa có vaccine hay phương pháp điều trị đặc hiệu.
"Có thể mọi người sẽ nói: 'Quá đủ rồi. Tôi cần được trở lại cuộc sống bình thường", nhà sử học Naomi Rogers của Đại học Yale cho hay.
Thực tế, việc này đang xảy ra. Ở một số bang Mỹ, các thống đốc đã dỡ bỏ hạn chế, cho phép các tiệm làm tóc, tiệm làm móng và phòng gym mở cửa trở lại, bất chấp cảnh báo của giới chức y tế công cộng làm vậy là quá sớm. Khi hệ quả kinh tế của biện pháp phong tỏa ngày càng rõ ràng, ngày càng nhiều người có thể sẵn sàng nói "đủ rồi".
"Có mâu thuẫn giữa hai bên", Rogers nói. Giới chức y tế công cộng muốn có kết thúc kiểu y tế, nhưng nhiều người trong công chúng chỉ cần kết thúc kiểu xã hội.
Thách thức hiện giờ là sẽ không có chiến thắng bất ngờ. "Cố gắng xác định cái kết của dịch bệnh sẽ là một quá trình dài và khó khăn", Brandt nói.
Phương Vũ (Theo NYTimes)